Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Nên hay không?

H.Hương-M.Sang 08/07/2023 07:22

Trong khi Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với game online vì trò chơi điện tử tác động tiêu cực đến người chơi (sức khỏe thể chất, tâm thần), thì doanh nghiệp (DN) sản xuất game lại cho rằng đề xuất này đi ngược với hướng đi thế giới. Vậy có nên áp thuế TTĐB với game online?

Game online phát triển mạnh, thu hút nhiều đối tượng tham gia.

Cái lý của Bộ Tài chính

Tại dự thảo tờ trình xây dựng Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Lý do Bộ Tài chính đưa ra là trò chơi điện tử tác động tiêu cực đến người chơi (sức khỏe thể chất, tâm thần), đặc biệt là thanh thiếu niên. Do đó, việc áp thuế TTĐB sẽ định hướng kinh doanh, tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ thế hệ trẻ, vừa mở rộng nguồn thu mới cho ngân sách.

Khi nói về game online, Bộ Y tế và Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng nhận định game online có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tâm thần của người chơi, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Theo Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ nghiện game tại Việt Nam là 8,5%. Game cũng gây rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Tỷ lệ người chơi mắc trầm cảm là 12%, lo âu là 13,5% và rối loạn liên quan đến stress 17%.

Các cơ quan này cũng cho rằng việc nghiện game online làm giảm khả năng giao tiếp xã hội, gây mất ngủ, ảnh hưởng thành tích học tập, công việc và thậm chí nguy cơ rối loạn tâm thần phân liệt. Theo đó, tỷ lệ người chơi game có kỹ năng giao tiếp kém là gần 22% và kỹ năng xã hội kém hơn 18%. Tỷ lệ người chơi bị mất ngủ gần 16% và rối loạn giấc ngủ là 12%.

Trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam, game online cũng bị nhìn với ánh mắt không thiện cảm, chính nhiều bậc phụ huynh cũng cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ. Chính vì vậy sản xuất game không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí - sáng tạo nội dung số khác.

Doanh nghiệp bảo vệ “đứa con của mình”

Đại diện Liên minh các nhà phát triển game Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, DN phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.

Ông Nghĩa dẫn chứng, theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có không đến 20 DN game Việt Nam đang còn hoạt động thường xuyên trên tổng số hơn 200 DN đã đăng ký.

Bên cạnh việc nhiều DN rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều DN đang dần phải “bán mình” cho các công ty nước ngoài. Thống kê của Newzoo, tại thị trường Việt Nam năm 2022, dù thị trường tiềm năng, nhưng tổng doanh thu của các DN có nguồn gốc nội địa chỉ chiếm khoảng 22%, phần còn lại thuộc về các DN có nguồn gốc nước ngoài.

Cùng với đó, theo nghiên cứu của Liên minh các nhà phát triển game Việt Nam, cũng chưa có bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam chứ công cụ thuế thì chưa có tiền lệ.

Do đó, Liên minh các nhà phát triển game Việt Nam đề xuất không đưa trò chơi trực tuyến vào danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB như trong dự thảo.

Trong khi đó, theo ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG Games, hiện các DN Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước, phải cạnh tranh với những DN nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số DN game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

Ông Thắng cho rằng, nếu chồng thêm thuế TTĐB, DN Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính… sẽ trở nên rất nặng nề.

Vào hồi tháng 4, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty VNG, Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, VCCI là những đơn vị không đồng tình việc áp thuế TTĐB đối với game online. Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thuyết phục hơn về việc đánh thuế.

H.Hương-M.Sang