Chuyện chưa kể về hành trình kỳ diệu của trái tim từ Hà Nội cứu sống bệnh nhân ở Huế
Sau gần 2 ngày thực hiện ca ghép tim xuyên Việt, bệnh nhân T.V.G. (31 tuổi, trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện đã rút nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số huyết động và sinh hoá ổn định, chức năng tim tốt.
Hành trình tiếp nối sự sống
Trò chuyện với PV, Ths.BS Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, ngày 5/7, ngay khi tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, kíp ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế lập tức được kích hoạt. Đến 17h30 cùng ngày, các bác sĩ mang theo mẫu máu của bệnh nhân xuất phát đi Hà Nội.
Phương án điều phối tạng liên tục thay đổi do phải tính toán sự phù hợp giữa thời điểm lấy tim và các chuyến bay trong ngày 6/7.
Ngay khi chính thức có kế hoạch phẫu thuật lấy tạng lúc 17h20, thì chuyến bay Hà Nội - Huế chỉ còn một chuyến cuối cùng cất cánh vào lúc 19h35, nhưng thời gian lấy tim ra khỏi lồng ngực thực tế dài hơn dự kiến.
Sau đó, hãng hàng không Bamboo Airways đã hỗ trợ tối đa mọi thủ tục bay, buộc phải cáo lỗi cùng hành khách, để cùng chờ “trái tim” bay về với Huế. Đáp lại sự nỗ lực ấy, trái tim đã hạ cánh sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào lúc 21h25, có mặt tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế lúc 21h48.
Ngay sau khi nhận thông tin trái tim hạ cánh an toàn, kíp phẫu thuật bắt đầu tiến hành các bước ghép tim, mang lại sự sống cho bệnh nhân là anh T.V.G. (31 tuổi, trú tại Thừa Thiên Huế), mắc bệnh cơ tim giãn - suy tim cách đây đã 13 năm, được điều trị nội khoa tối ưu nhưng đến nay EF giảm nặng, chức năng tim không cải thiện và chờ đợi cơ hội để được ghép tim.
Sau 1 giờ 19 phút phẫu thuật, đến 23h39 ngày 6/07, tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận.
TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từng nhịp đập của trái tim trong cơ thể mới là niềm vui vỡ oà, xoá tan hết những căng thẳng, âu lo và khó khăn trong suốt hành trình dành cho kíp ghép tạng. Một ngày sau ghép tim, bệnh nhân đã rút nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số huyết động và sinh hoá ổn định, chức năng tim tốt.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ: “Sẽ không tồn tại bất kỳ sự mệt mỏi nào trong Hành trình chung tay tiếp nối sự sống”.
Khó khăn trong nguồn hiến tạng
Ths.BSCKII Trần Hoài Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thông thường, những ca ghép tim xuyên Việt thời gian tốt nhất là 4 giờ đồng hồ, từ lúc lấy tim ra khỏi lồng ngực của người hiến tạng đến khi thực hiện ghép tạng cho người nhận. Ngoài chuyện mổ xẻ, kỹ thuật tốt thì một việc rất quan trọng là tổ chức vận chuyển quả tim.
“Cái khó khăn nhất trong khâu ghép tim xuyên Việt đó là vận chuyển. Các chuyến bay từ Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đi Huế trong ngày không nhiều. Do đó, kíp bác sĩ phải tính toán làm sao lúc lấy tim thật sát giờ bay để quả tim nhận ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh về Huế trong thời gian ngắn nhất”, bác sĩ Ân nói.
Theo bác sĩ Ân, mổ ghép tim là một kỹ thuật hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau. Phẫu thuật viên phải được đào tạo giỏi, phải có bác sĩ gây mê, hồi sức giỏi, bác sĩ chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, kể cả điều dưỡng hồi sức sau mổ. Một khâu quan trọng là điều dưỡng chăm sóc hồi sức bệnh nhân chết não, tuy bệnh nhân chết nhưng phải chăm sóc đúng quy trình lúc đó lấy tim mới được.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, hiện đơn vị đủ tiềm lực về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đáp ứng cho việc thực hiện các kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối của suy các tạng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện được cấy ghép. Hiện nguồn mô, tạng hiến chủ yếu ở 2 đầu đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dưới sự điều phối của Trung tâm Điều phối thuộc Trung tâm Ghép tạng quốc gia, trong khi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hầu như là không có nguồn hiến tặng.
“Hiện nay, nguồn hiến tạng rất thấp trong khi nhu cầu ghép tạng ngày càng lớn. Hằng năm, số lượng người bị chết não do bị bệnh tật, tai nạn giao thông… rất nhiều, cũng rất mong muốn trước khi về với cát bụi, một phần cơ thể họ có thể được tái sinh lần nữa trong những bệnh nhân bị suy tạng cần được ghép từ người hiến chết não.
Thế nhưng, bởi quan niệm từ bao đời của người dân miền Trung nên các cuộc vận động hiến tạng đều gần như thất bại. Chúng tôi cũng mong rằng, mọi người có thể thay đổi nếp nghĩ, để làm sao trước khi chết đi vẫn kịp làm điều gì có ích cho xã hội, bằng những nghĩa cử cao đẹp…”, bác sĩ Ân bày tỏ.
Được biết, tính đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công 10 ca ghép tim, trong đó có 9 ca ghép tim xuyên Việt.