Những vùng đất mong manh trước biển
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang là mối đe dọa đối với cư dân ven biển. Tại Indonesia, người dân tại không ít ngôi làng đành phải coi đó là một phần của cuộc sống hàng ngày.
Người ta gọi Cemarajaya trên đảo Java là “ngôi làng đang chìm dần xuống biển” khi mà phần lớn diện tích của làng đã nằm dưới nước. Do chỉ cách thủ đô Jakarta khoảng 80 km nên nhiều người đã rời làng ra đi. Những người ở lại thì phải đắp bao cát trước cửa nhà trước mỗi kỳ con nước lớn tới.
Bà Ella Setiaputri, cư dân làng Cemarajaya, nói: "Tôi đã đắp đến hơn 100 bao cát. Mỗi kỳ nước lớn là mất 20 bao. Nhưng nó vẫn không đủ vững để ngăn nước". Ông Rudi Candia, trưởng làng cho hay, 6 km đường bờ biển của làng đã bị xói mòn trong 20 năm qua. Những con đường trong làng đã bị nước biển phá hỏng. Đường chính bị lở 2 lần trong vòng 6 tháng qua do triều cường. Nhiều nơi trong làng người dân không còn đi trên đường bê tông mà đi trên bao cát.
Còn ông Ermin Bin Wangi, “người suốt đời ở làng” nói: "Khó khăn lắm. Trước đây tôi có một cửa hàng nhỏ ven đường, nhưng đường lở mất còn đâu, mất luôn cửa hàng".
Tới nay, trong số 470 nhà bị ảnh hưởng do nước biển dâng thì đã có 164 nhà dời đi. Làng Cemarajaya ngày một thưa dân.
Giống như làng Cemarajaya, làng Timbulsloko (thuộc tỉnh Trung Java) cũng đang chìm dần xuống nước. Ngập lụt triền miên khiến nhiều hộ gia đình tại đây luôn phải dằn vặt đi hay ở. Bà Kasmini, người làng Timbulslok cho biết khi thủy triều dâng các thành viên trong gia đình đều phải lội bì bõm trong chính ngôi nhà của mình. Có khi nước biển tràn vào làng, ngập tới ngang người. Con gái của bà Kasmini, chị Dwi Ulfani thì nói rằng không thể nhớ được thời điểm mà ngôi nhà không bị ngập lụt là khi nào.
Chỗ nước mênh mông từng là khoảng sân của nhà ông Sukarman, ông nội của chị Ulfani. Ông Sukarman đã sống ở làng Timbulsloko gần như suốt cả cuộc đời. Ông đã nâng nền nhà và mảnh đất xung quanh ba lần, nhưng nước lũ vẫn tràn vào. Ông Sukarman cho rằng những người trẻ hơn, chẳng hạn như cháu gái của ông, nên chuyển đi nơi khác nếu có thể. Còn bản thân ông nay tuổi đã cao lại không có nơi ở nào khác nên ông sẽ dành phần đời còn lại của mình để sống trong một ngôi làng ngày càng ngập lụt.
Ông Sukarman chia sẻ: "Tôi già rồi. Đây là nơi tôi sinh ra và tôi sẽ chết ở đây. Tôi không đi đâu cả. Căn nhà này là tất cả những gì tôi có, tôi sẽ đi về đâu được chứ?".
Người làng Timbulsloko cho biết, chính quyền đã hỗ trợ rất nhiều, kể cả nếu như người dân muốn di chuyển đến nơi khác. Nhưng nhiều người đã quen với cuộc sống làng quê, họ ái ngại khi nghĩ tới việc phải chuyển đến vùng đất mới. Chị Asiyah là một trong số những người đã rời làng hai năm trước khi một đợt nước biển dâng và thủy triều mạnh đã phá hủy mùa màng và cuốn trôi những con đường đất. Nhưng dẫu thế, chị Asiyah vẫn cho biết: "Tôi không thể quên những kỷ niệm ở làng. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng làng quê tôi sẽ trở thành đại dương và tôi luôn nhớ về nó".
Người ta nói rằng trong vòng 30 năm nữa, nhiều ngôi làng ven biển ở đảo Java có thể bị biển nuốt chửng. Nhưng biến đổi khí hậu, nước biển dâng không chỉ nhấn chìm những ngôi làng mà cả thành phố lớn như Jakarta cũng đang chìm dần. Chính quyền thành phố cho biết, trong vòng mấy năm trở lại đây, thành phố hơn 30 triệu dân này đã lún thêm 25cm.
Ông Irvan Pulungan - Ủy ban Quản lý bờ biển Indonesia nói, ông rất buồn khi thấy thành phố đang chìm dần, tuy rằng nó không hiển hiện rõ ràng nhưng lại nghiêm trọng. Tại quận Muara Baru người ta đã xây một bức tường để ngăn lũ lụt. Năm nào cũng xây cao thêm nhưng khi triều cường lên thì nước lại tràn vào.
"Nguồn nước ngầm bị khai thác cạn kiệt, do đó mặt đất dần bị chìm xuống. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vòng 20 năm qua làm tăng gấp đôi nguy cơ thành phố bị chìm, bởi nó vốn đã ở dưới mặt nước biển" - ông Irvan Pulungan cho biết thêm.
Nhóm các nhà khoa học Đại học Princeton và Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) cho rằng, khoảng 136 thành phố lớn ven biển cần thực hiện các biện pháp thích ứng “chưa từng có” để tránh bị nước biển dâng nuốt chửng. Theo nhóm nghiên cứu, các quốc đảo nhỏ có nguy cơ gần như mất toàn bộ đất và 8 trong số 10 khu vực hàng đầu bị nước biển dâng là ở châu Á, với khoảng 600 triệu người bị ngập lụt theo kịch bản Trái đất ấm lên 2 độ C. Còn nếu 3 độ C, thì con số đó sẽ là 800 triệu người, khi mực nước biển toàn cầu có thể dâng cao gần 40cm do biến đổi khí hậu. Ông Ben Strauss (Tổ chức Phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu Climate Central) nói: "Mỗi chúng ta thường nghĩ rằng mình sẽ qua đời một lúc nào đó, nhưng chúng ta chẳng mấy khi nghĩ đến chuyện các thành phố cũng có thể chết. Nhiều thành phố duyên hải sẽ biến mất vì ngập lụt".