Thu hút thí sinh chọn ngành khoa học cơ bản: Cần giải pháp đột phá

NGỌC HÀ 09/07/2023 08:09

Chỉ có khoảng 2% thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các ngành thủy sinh nông nghiệp thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội dù nguồn nhân lực cho các ngành khoa học cơ bản đang thiếu. Cơ hội việc làm sau khi ra trường khá cao nhưng tại sao vẫn rất ít thí sinh lựa chọn? Thực tế này đòi hỏi các trường đại học cần phải có các giải pháp đột phá hơn nữa để thu hút thí sinh.

Các ngành khoa học cơ bản đang tạo ra môi trường rất tốt cho sinh viên học tập.

Nhiều việc nhưng thiếu người làm

Dù điểm đầu vào thấp, học phí thấp hơn các ngành đào tạo khác nhưng nhiều ngành khoa học cơ bản vẫn khó tuyển sinh. Thậm chí, có trường đại học đã phải “đóng cửa” ngành học vì không tuyển sinh được.

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tuyển sinh 2023, trong mùa tuyển sinh năm 2022, các lĩnh vực như: Nông Lâm Nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ vận tải, Khoa học sự sống, Thú y, Khoa học tự nhiên, Toán và Thống kê, Dịch vụ xã hội có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất. Điều đáng nói là, theo nhiều chuyên gia, nhu cầu nguồn nhân lực của một số ngành đang rất lớn nhưng vẫn không thể thu hút người học.

Lý do nhiều ngành khoa học cơ bản đang thiếu thí sinh đăng ký là bởi đa số tâm lý của các thí sinh hiện nay thường chạy theo các ngành phù hợp với bối cảnh công nghệ 4.0 như: Kinh doanh, Quản lý, Máy tính, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật... Có tới 46% thí sinh lựa chọn những ngành học này với mong muốn ra trường là có việc làm ngay. Tuy nhiên khi nguồn nhân lực đổ dồn về một số ngành thì cơ hội việc làm sẽ bị cạnh tranh rất lớn. Mặt khác, điều này lại gây ra sự mất cân bằng đối với các ngành khoa học cơ bản. Khá nhiều người cho rằng học ngành khoa học cơ bản đã khó, cơ hội xin việc ít, thu nhập thấp... nên ngần ấy thứ khiến nhiều thí sinh quay đầu lựa chọn ngành được cho là việc nhẹ, lương cao hơn.

Thế nhưng, câu chuyện thực tế cho thấy, cuối tháng 3 vừa qua, tại Lễ trao bằng tốt nghiệp tại Trường Đại học Giao thông vận tải (Hà Nội), trong lúc sinh viên nhận bằng thì bên ngoài hành lang đã có hàng chục công ty xếp hàng để chào mời các kỹ sư về làm việc. Bạn Lữ Văn Quang, tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng công trình giao thông khóa 59 cho biết: Ngay sau khi nhận bằng tôi đã được một doanh nghiệp thi công cao tốc mời vào TPHCM làm việc cho một dự án cao cấp, với mức lương 17 triệu đồng/tháng.

Tại khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được biết có ít nhất 40 doanh nghiệp luôn xếp hàng để nhận sinh viên sau khi ra trường. Theo PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ngoài các doanh nghiệp cần tuyển dụng, các cơ quan nhà nước ở các tỉnh như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Hà Giang cũng đề xuất với nhà trường nếu có kỹ sư ở vùng miền ấy ra trường thì sẽ mời về làm việc cho địa phương, nhưng cũng rất khó vì nhà trường chỉ có rất ít, hoặc thậm chí không có nguồn nhân lực này.

Năm 2022, khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ tuyển được 18 thí sinh. Một số trường đại học khác cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh cho các ngành khoa học cơ bản như ngành Hải dương học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chỉ tuyển được 2 sinh viên; ngành Khí tượng thủy văn cũng chỉ tuyển được trên 10 sinh viên.

Một điều dễ nhận thấy rằng khi học các ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản, giao thông, địa chất... thì không thể thường xuyên làm việc trong môi trường điều hòa, cũng không thể lập tức có lương cao nhưng chắc chắn sẽ có việc làm ngay sau khi ra trường mà không phải làm trái nghề. Cơ hội việc làm khá rộng mở nhưng vẫn rất ít thí sinh đăng ký học các ngành khoa học cơ bản. Đây là vấn đề cần có thêm nhiều giải pháp để giải bài toán cho nguồn nhân lực.

Cách nào để thu hút sinh viên?

Hiện nay các trường đại học đã có nhiều chính sách, chương trình học bổng nhằm thúc đẩy tuyển sinh cho các ngành khoa học cơ bản. Từ mùa tuyển sinh năm 2022, ĐHQG Hà Nội đã bắt đầu triển khai các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn với gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.

Cụ thể, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) có tới 50 học bổng khác nhau dành cho các sinh viên theo học ngành Địa chất, Khí tượng thuỷ văn, Hải dương học. Sinh viên Vũ Hoàng Lâm đang theo học khoa Địa chất của trường cho biết số tiền học bổng em nhận được có thể đủ để đóng học phí trong một năm học.

Thực tế các ngành khoa học cơ bản đang tạo ra môi trường rất tốt để các thí sinh đăng ký lựa chọn, nhưng có lẽ là chưa đủ. Vì vậy các trường đại học cần phải có các giải pháp đột phá hơn nữa để thu hút thí sinh, không thể để tình trạng lớp học thiếu sinh viên năm này qua năm khác.

Phân tích sâu hơn về lý do các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, vấn đề nằm ở quan hệ khép kín giữa nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Bên cạnh đó còn do công tác truyền thông tới thí sinh chưa tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ đặc tính, đặc điểm của các ngành nghề kể trên và cơ hội nghề nghiệp ra sao, nên thí sinh chưa chọn.

Nói về giải pháp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi mở: Các trường đại học cần phải quan tâm tới những ngành nghề gì thực sự xã hội đang có nhu cầu lớn. Đồng thời, khảo sát để có số liệu xây dựng chính sách trong việc mở chương trình đào tạo trong tuyển sinh. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như hướng nghiệp giữa các trường đại học, trường THPT để các em hiểu rõ những ngành rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Cùng với đó, để những ngành học này duy trì được, cần sự quan tâm của cơ quan nhà nước để đầu tư, hỗ trợ cho những ngành như ngành khoa học cơ bản, toán học và những ngành kỹ thuật công nghệ để giảm bớt những khó khăn cho sinh viên. Qua đó, chúng ta cần làm nhiều việc để tạo sự cân đối trong các ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề thiết yếu cho sự phát triển khoa học công nghệ, nâng cao cạnh tranh của đất nước.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, sẽ có những đề xuất giải pháp cụ thể để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt. Bộ cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành để xây dựng một hệ thống thông tin theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và dự báo nhu cầu của các ngành đào tạo. Đây sẽ là một công cụ hết sức quan trọng để hoạch định và điều chỉnh các chính sách, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành cũng như đối với từng cơ sở giáo dục đại học.

Thư gửi các thầy cô chủ nhiệm lớp

Tôi là một thầy giáo cao niên, hôm nay có chuyện muốn trao đổi với các thầy, cô. Năm nay có chuyện bất thường là phần lớn các em đều muốn thi vào các ngành công nghệ, kỹ thuật mà phần lớn không muốn thi vào các ngành khoa học cơ bản như: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, là những nơi đang có nhiều giáo sư giỏi và cũng là những ngành đang có nhu cầu đào tạo. Đó là một chuyện bất thường, vì vậy mong thầy, cô trao đổi lại với học sinh của mình.

Tôi trước đây học ngành Sinh học, tức là học về động vật, thực vật và cơ thể người. Vậy mà sau khi tốt nghiệp, do nhu cầu tôi nhận trách nhiệm dạy môn Vi sinh vật học, tức là về các sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vậy mà, với sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của những người đi trước tôi đã thành giáo sư trong lĩnh vực này và góp phần đào tạo bao nhiêu chuyên gia trong ngành. Tôi còn tham gia đào tạo cả về công nghệ sinh học và công nghệ môi trường. Sau khi hoàn thành giáo trình về Vi sinh vật học tôi đang gửi in các giáo trình Công nghệ sinh học, Công nghệ lên men, Công nghệ môi trường. Nói như vậy để các thầy, cô trao đổi với các em, học khoa học cơ bản là học cái nền của khoa học. Sau đó, với quyết tâm, với vốn ngoại ngữ chúng ta hoàn toàn có thể học thêm một chuyên ngành khác khi có nhu cầu. Rất nhiều bạn tôi học ngành Văn học đang là những nhà báo tài hoa, học ngành Lịch sử đang làm nhiệm vụ lãnh đạo chính trị, học ngành Địa lý đang làm về môi trường, học ngành Vật lý hay Hóa học đang làm trong các ngành công nghệ, kỹ thuật. Tất nhiên, cần có quyết tâm như lời Bác căn dặn “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, hay như lời ca “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”?

Khoa học cơ bản là những ngành đang cần đào tạo nhiều người giỏi để nâng cao tầm khoa học của nước nhà. Các em nên tìm hiểu về các ngành này và đừng đổ xô vào những ngành đang có quá nhiều bạn ghi danh, cũng có nghĩa là tỷ lệ chọi sẽ rất cao. Giống như ngoại ngữ cũng vậy, toàn ghi tên thi tiếng Anh thì rất khó cạnh tranh, trong khi đó các ngôn ngữ khác cũng rất hay và cũng rất cần đào tạo, sao không lựa chọn? Học sinh còn quá trẻ nên thường thiếu chín chắn trong suy nghĩ. Đây là lúc mà các thầy, cô chủ nhiệm lớp nên khuyên bảo các em với tất cả lòng yêu thương của mình.

Nếu các thầy, cô muốn trao đổi thêm với tôi xin gửi về địa chỉ nguyenlandung01@ gmail.com. Chúc các thầy, cô mạnh khỏe và làm tốt trách nhiệm vẻ vang của mình.

GS.NGND NGUYỄN LÂN DŨNG

NGỌC HÀ