Từ ‘cơn sốt’ thần tượng xứ Hàn, nghĩ về công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
Những ngày qua, giới trẻ Việt xôn xao bàn luận trên các trang mạng xã hội về việc nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc BlackPink tổ chức sự kiện ở Việt Nam. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của các thần tượng (idol) Hàn Quốc là rất lớn, nhưng đằng sau đó còn là sự ảnh hưởng của nền công nghiệp văn hóa từ xứ sở Kim Chi.
Chao đảo với thần tượng xứ Hàn
Cao nhất là 9,8 triệu đồng, thấp nhất là 1,2 triệu đồng, là số tiền phải trả để sở hữu một tấm vé tham dự concert Born Pink của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink vào ngày 29 - 30/7. Ngày mở bán vé (7/7) chứng kiến sự chịu chi của nhiều người khi số lượng vé VIP của đêm diễn đầu tiên đã hết sau vài giờ đồng hồ. Mặc dù so với giá vé concert ở Indonesia, Singapore, giá vé VIP của Việt Nam cao hơn khoảng 3 triệu đồng. Đa phần những người quan tâm đến concert này là những bạn trẻ. Với họ, để được nhìn thấy thần tượng ngoài đời thì sẵn sàng chi tiền, hoặc vay mượn tiền để có vé “vào sân”.
Phương Nhung (25 tuổi) là giáo viên dạy tiếng Hàn ở Hà Nội mừng rỡ khi săn được vé VIP cho cả 2 đêm concert của BlackPink. Nhung cho biết, bản thân đã hâm bộ BlackPink từ khi nhóm ra mắt vào năm 2016 nên khi biết tin 4 cô gái đến Việt Nam như vỡ òa cảm xúc. Với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, mặc dù làm tháng nào tiêu hết tháng đấy nhưng Nhung đã đề xuất ứng trước lương với công ty để chuẩn bị sẵn tinh thần “săn vé”, thậm chí Nhung còn vay mượn bạn bè để có đủ tiền trong tài khoản, đến ngày mở bán là chỉ việc thật nhanh tay mua vé VIP.
Trường hợp khác, bạn Ngô Tuệ Linh, sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở Hà Nội, sau khi ngồi “săn vé” 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng đã mua được 3 vé với mức giá 3,8 triệu đồng/vé, vui mừng cho biết: Tôi đã rất hào hứng khi biết tin BlackPink tổ chức concert ở Việt Nam nên đã lấy tiền tiết kiệm ra để mua vé. Vui hơn là có thêm bạn bè đi cùng, chắc chắn đó sẽ là đêm nhạc rất cảm xúc, tôi không thể diễn tả thành lời.
Còn nhiều trường hợp khác với nhiều câu chuyện dở khóc dở cười để được đến xem BlackPink biểu diễn. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của nhóm nhạc này là rất lớn đối với công chúng Việt Nam.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2023, ca sĩ Teayang (BIGBANG) đã đến Việt Nam để biểu diễn tại Seen Festival ở Hội An (Quảng Nam) thu hút hàng nghìn khán giả. Hay tháng 3/2023, show diễn "Super Junior World Tour - Super Show 9: Road" được tổ chức ở TPHCM của nhóm Super Junior đã thu hút sự quan tâm của hơn 15.000 người...
Từ thực tế trên có thể nhìn nhận rằng, giới trẻ Việt Nam hiện nay đang chao đảo vì idol Hàn Quốc. Vì thế cũng có một bộ phận người trẻ có xu hướng “cuồng” thần tượng hoặc “đu” idol vì đam mê và xem nó như một hình thức thư giãn, giải trí. Việc chi cả chục triệu đồng để “đu” idol ở giới trẻ là đề tài gây nhiều tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng những người “đu” idol đang lãng phí tiền của, chạy theo trào lưu, thấy thần tượng dùng gì là mua nấy chưa chắc đã là thần tượng đúng nghĩa.
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Thanh Niên - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phân tích: Không chỉ đơn thuần là hoạt động thư giản, giải trí mà câu chuyện “cuồng” thần tượng còn biểu hiện về tâm lý, tình cảm, nhận thức, hành vi, ứng xử… của giới trẻ ở nhiều cấp độ trong các bối cảnh khác nhau. Thực tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam cho rằng việc chạy đua theo những thần tượng Hàn Quốc là cách để thể hiện bản thân và cho rằng những ai không theo trào lưu này là quê mùa và không nhạy bén với thời cuộc. Bên cạnh những bạn trẻ thực sự đam mê còn có những người “thể hiện đẳng cấp” khi tham gia show diễn của idol bởi theo ông Linh, “chỉ cần khoe chiếc vé, chụp ảnh dưới sân khấu biểu diễn của người nổi tiếng, các bạn trẻ tự coi mình là người “biết chơi”, hơn hẳn những bạn khác”.
Việc chạy theo thần tượng của giới trẻ Việt không đơn thuần là một trào lưu mà sâu xa hơn đó là sự ảnh hưởng của làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc), đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ ở Việt Nam và toàn thế giới. Làn sóng này xuất hiện từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đến nay, Kpop đã trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, có vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Trong thời điểm Việt Nam đang xây dựng công nghiệp văn hóa, cần nhìn nhận, đánh giá và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài để tạo làn sóng văn hóa lan tỏa và thấm vào nhiều thế hệ.
Học hỏi từ những thành công
Sau gần 30 năm phát triển, Kpop vẫn có một vị thế đáng mơ ước. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa và Thể thao Hàn Quốc đầu năm 2023, các nghệ sĩ Kpop đã bán được hơn 80 triệu album trên toàn thế giới vào năm 2022 và số lượng người hâm mộ Hallyu toàn cầu đã tăng lên 156,6 triệu tại 116 quốc gia vào tháng 12 năm 2021, tăng gấp 17 lần so với năm 2011 đã thể hiện quá rõ sức ảnh hưởng của Kpop.
Năm 2021, tờ Billboard công bố nhóm nhạc BTS là một trong 5 ngôi sao âm nhạc kiếm nhiều tiền nhất thế giới với doanh thu khoảng 30 triệu USD. Viện Văn hóa và du lịch Hàn Quốc ước tính, nhóm nhạc BTS có thể thu về lợi nhuận từ 700 tỷ won (hơn 12 nghìn tỷ đồng) đến hơn 1.000 tỷ won (17 nghìn tỷ đồng) với mỗi buổi hòa nhạc được tổ chức sau đại dịch. Không chỉ thu về số tiền lớn, BTS còn giúp quảng bá văn hóa Hàn Quốc đến nhiều quốc gia. Khi nhóm nhạc biểu diễn tại Las Vegas, báo chí địa phương đưa tin, không chỉ vé, các phụ kiện của buổi biểu diễn được bán chạy, mà ngay cả một bữa ăn ba món gồm Kimbap (cơm cuộn), Tteokbokki (bánh gạo cay) và Galbi (sườn) có giá 60,000 won (khoảng 1 triệu đồng) cũng được bán rất chạy, thúc đẩy tạo việc làm và kinh tế cho địa phương.
Với BlackPink, tháng 4/2023, truyền thông quốc tế thừa nhận, tour lưu diễn vòng quanh thế giới Born Pink của nhóm BlackPink trở thành chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất của một nhóm nữ trong lịch sử, vượt qua các nhóm nhạc nữ huyền thoại như Spice Girls, TLC và Destiny's Child. Hiện, nhóm chưa kết thúc tour diễn nhưng 4 cô gái đã mang về doanh thu đáng kinh ngạc, hơn 78 triệu USD.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, Kpop mang lại khoản doanh thu khổng lồ cho kinh tế Hàn Quốc. Theo Korea Times, các chuyên gia kinh tế ước tính, ngành công nghiệp Kpop tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm. Và đằng sau những nhóm nhạc thần tượng đình đám xứ Kim Chi chính là một cỗ máy được vận hành một cách chuyên nghiệp, bài bản. Việc Kpop trở thành một hiện tượng toàn cầu kéo theo sự quan tâm đặc biệt của khán giả quốc tế dành cho Hàn Quốc ở nhiều mảng du lịch, học tiếng Hàn, thời trang hay ẩm thực.
Có thể thấy, Hàn Quốc đã xây dựng được “đế chế” văn hóa, giải trí khiến cả thế giới kinh ngạc. Lý giải sự thành công này, TS Đặng Thiếu Ngân - chuyên gia hàng đầu về làn sóng Hàn lưu (Hallyu) chỉ ra: Từ những năm đầu thập niên 1990, những người làm trong ngành công nghiệp âm nhạc Kpop như nhà sản xuất, các công ty giải trí, các quan chức quản lý về luật định... đã có rất nhiều nghiên cứu, thảo luận, xây dựng mô hình và đánh giá từ các thực tế để ngày càng hoàn thiện và tiếp cận đến phạm vi khán giả rộng lớn hơn. Họ không ngừng làm mới bản thân, sẵn sàng đầu tư để học hỏi từ những nền công nghiệp âm nhạc, giải trí tiên tiến, đồ sộ. Họ chấp nhận những khái niệm từ văn hóa toàn cầu rồi sau đó “Hàn hóa” để ngày càng hoàn thiện Kpop chỉn chu hơn, hấp dẫn hơn, độc đáo hơn.
Sự nổi tiếng và ảnh hưởng toàn cầu của các nhóm nhạc như BTS, BlackPink... đằng sau đó là sức ảnh hưởng của một nền công nghiệp âm nhạc lớn mạnh. Nhìn về những nỗ lực của xây dựng công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, chúng ta đã và đang dần có được những nhân tố có thể vươn ra thế giới nhưng nếu chỉ trông chờ vào những nỗ lực, mong muốn của một vài cá nhân kiểu như “See tình” của Hoàng Thuỳ Linh thì rất khó. Âm nhạc Việt Nam muốn vươn ra thế giới, muốn có những BTS, BlackPink thì cần có chính sách phát triển bền vững ở tầm quốc gia.
Nêu ý kiến để xây dựng “nền móng” cho công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, TS Đặng Thiếu Ngân cho rằng: “Việt Nam cũng có rất nhiều chất liệu, tiềm năng con người để khai thác. Nhưng để đặt được nền móng “công nghiệp”, chúng ta cần phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp thành một hệ thống giữa các thành phần sáng tạo nghệ thuật, phát hành, phân phối và quảng bá các sản phẩm, cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước (thuế, kết nối nước ngoài, tổ chức các sự kiện văn hoá lớn…) dành cho những đơn vị này hay những luật định cụ thể và rõ ràng để những người làm nghề có cái nhìn rõ ràng, cụ thể hơn khi vận hành.
Ngoài ra, muốn có thành công để xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam, còn cần sự chung tay, ủng hộ quyết liệt từ chính khán giả trong nước. Điều này, những năm gần đây đang có chuyển biến tích cực. Khán giả Việt Nam chắc chắn về mọi mặt chẳng thua kém gì khán giả Hàn Quốc. Bằng chứng là, ngành công nghiệp văn hóa - giải trí của Hàn Quốc đã đánh giá fans Việt là một trong những cộng đồng - thị trường tiềm năng, để dẫn đến sự kiện lần này, BlackPink tới Hà Nội.