Nhiều triển vọng xuất khẩu gạo
Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn đối mặt với đà giảm sâu cả về lượng đơn hàng lẫn giá xuất khẩu, thì ngành lúa gạo lại có những tín hiệu tích cực. Tuần qua, giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu liên tục điều chỉnh tăng. Triển vọng xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ tích cực ở cả nhu cầu và mức giá.
Xuất khẩu gạo đang thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi chỉ trong vòng nửa năm đã đạt được kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng liên tục và đang ở mức 500 - 510 USD/tấn. Nguyên nhân giá gạo tăng là do nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung trong nước ở mức thấp do vụ Hè thu chưa thu hoạch rộ.
6 tháng đầu năm 2023, ngành gạo đã xuất khẩu gần 4,3 triệu tấn gạo, thu về 2,3 tỷ USD, tăng 22,% về lượng nhưng tăng tới 34,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia và một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Lượng xuất khẩu gạo ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ tích cực ở cả nhu cầu và mức giá. Theo Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Lê Thanh Hòa, dự kiến 6 tháng cuối năm xuất khẩu thêm 4 triệu tấn, đưa kim ngạch cả năm đạt 8 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm ngoái và mang về 4 tỷ USD.
Ông Nguyễn Phước Nam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Kiên Giang), cho biết công ty vừa chốt được đơn hàng 16.667 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá bán 674 USD/tấn. Đây là mức giá cao trong số các nước xuất khẩu gạo. Đơn hàng sẽ được thực hiện trong tháng 7/2023. Trước đó, cũng tại thị trường này, công ty vừa giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng nhận định, triển vọng xuất khẩu mặt hàng gạo cuối năm 2023 tiếp tục có những tín hiệu tích cực do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, cùng đó, các quốc gia tăng cường nhập gạo để phục vụ thị trường trong nước và dự trữ quốc gia như Indonesia, Philippines...
Thời gian qua, ngành lúa gạo Việt Nam không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến, thương mại. Trong khâu sản xuất, lúa gạo cũng đã có những chuyển đổi tích cực, áp dụng các quy trình canh tác bền vững hay sản xuất lúa hữu cơ với khoảng trên 75% diện tích ở các vùng chuyên canh sử dụng lúa chứng nhận.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh việc xây dựng Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất lúa gạo gắn với tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNTsẽ sớm làm việc với Bộ Công thương cùng các bộ, ngành khác nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay. Cùng với đó, tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị. Đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, ngành hàng lúa gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu các loại gạo có phẩm cấp cao. Cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%... Tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.