Đột phá trong điều trị ung thư
Thông tin các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv của Israel đã phát triển phương pháp khiến tế bào ung thư "tự sát" thông qua việc tự sản sinh độc tố, đã đem tới hy vọng trong việc điều trị “căn bệnh tử thần”.
Báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Theranostics mới đây cho biết, nhóm các nhà khoa học Israel lần đầu tiên trên thế giới mã hóa một loại độc tố do vi khuẩn tạo ra, thành các phân tử RNA thông tin (mRNA) và đưa các phân tử này đến các tế bào ung thư. Các tế bào ung thư sau đó sẽ sản sinh ra cùng loại độc tố (giống độc tố của vi khuẩn), rồi bị nhiễm độc và chết đi trong chính môi trường ấy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thành công của phương pháp này lên tới 60%.
Đáng chú ý, phương pháp mới này cũng có thể được sử dụng với nhiều loại vi khuẩn kỵ khí tiết ra chất độc, đặc biệt là những loại sống trong lòng đất và có thể hỗ trợ điều trị nhiều loại ung thư. Các tế bào ung thư sẽ không thể phát triển khả năng kháng phương pháp này như khi hóa trị, bởi trong quá trình ứng dụng, giới chuyên gia có thể sử dụng những loại độc tố tự nhiên khác nhau.
Phương pháp mới được các nhà khoa học phát triển dựa trên ý tưởng đưa các phân tử mRNA đã được mã hóa với độc tố của khuẩn trực tiếp tới các tế bào ung thư. Điều này khác với các phương pháp điều trị hóa trị đang được áp dụng hiện nay - không thể xác định cụ thể các tế bào cần tiếp cận, theo đó cũng sẽ hủy hoại cả các tế bào khỏe mạnh.
Trước đó, cuối tháng 2 năm nay, các nhà khoa học tại Đại học East Anglia (UEA) đã công bố kết quả nghiên cứu một thế hệ các phương pháp điều trị ung thư mới kích hoạt bằng ánh sáng, tia UV. Phương pháp này hoạt động bằng cách bật đèn LED được gắn gần khối u, sau đó ánh sáng sẽ kích hoạt các loại thuốc sinh học trị liệu. Pháp điều này giúp nhắm trúng mục tiêu cao hơn và hiệu quả hơn so với các liệu pháp miễn dịch hiện đại.
Một bình luận trên tạp chí Nature Chemical Biology cho rằng, trong tương lai, các phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch có thể được thiết kế lại để tấn công các khối u một cách chính xác hơn bao giờ hết. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong vòng 5 năm tới, liệu pháp này sẽ được sử dụng để điều trị bệnh nhân ung thư.
Theo tiến sĩ Amit Sachdeva (Trường Hóa học của UEA), các phương pháp điều trị ung thư hiện tại như hóa trị liệu có thể tiêu diệt được tế bào ung thư, nhưng chúng cũng có thể làm hỏng các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể bạn như tế bào máu và da. Điều này có nghĩa là chúng có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm rụng tóc, cảm thấy mệt mỏi và ốm yếu, đồng thời khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cao hơn. Trong khi đó phương pháp kích hoạt bằng ánh sáng không có những tác dụng phụ này.
Một thông tin khác cũng vô cùng quan trọng, đó là thế giới sắp có vaccine điều trị ung thư: Một loại vaccine mRNA khiến hệ thống miễn dịch tấn công bệnh ung thư. Vaccine này sẽ được áp dụng rộng rãi vào năm 2030.
Nghiên cứu của 2 hãng dược phẩm Moderna và Merck về thử nghiệm vaccine mRNA kết hợp với liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư đã cho thấy kết quả khả quan. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên 157 người thuộc lứa tuổi trung niên, gồm cả đàn ông và phụ nữ, bị ung thư giai đoạn 3 và 4, đã phẫu thuật cắt bỏ khối u. Các bệnh nhân này thuộc nhóm có nguy cơ cao bị tái phát khối u ác tính. Kết quả cho thấy 78,6% bệnh nhân không bị tái phát ung thư sau 18 tháng.
Tiến sĩ Kyle Holen - Phó Chủ tịch cấp cao của Moderna cho biết, kết quả này cho thấy tiềm năng của vaccine mRNA khi điều trị những người bị u ác tính và mở ra khả năng kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
“Vaccine ung thư mRNA khác vaccine thông thường. Sau khi tiêm vào cơ thể, vaccine mRNA sẽ huấn luyện các tế bào tạo ra một phần protein ung thư (kháng nguyên) giống với kháng nguyên đã được xét nghiệm trước đó của bệnh nhân. Sau đó, hệ miễn dịch sẽ phát triển kháng thể chống lại chúng” - TS Kyle Holen cho biết.
Giới khoa học y học cho rằng, hiện tại dù ung thư vẫn là bệnh nan y nhưng các phương pháp điều trị đã có những bước tiến dài. Và rằng năm 2030 cũng không phải là quá xa khi “căn bệnh tử thần” được khống chế.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư hiện đang được áp dụng gồm: Phẫu thuật (có thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư bằng cách cắt toàn bộ hoặc 1 phần khối u); Hóa trị (sử dụng các loại thuốc chuyên biệt do bác sĩ kê đơn để loại bỏ nhanh chóng các tế bào ung thư); Xạ trị (loại bỏ tế bào ung thư bằng cách sử dụng chùm tia bức xạ mạnh, có thể gồm xạ trị bên ngoài và cận xạ trị); Liệu pháp miễn dịch (tăng cường hệ miễn dịch bằng cách bổ sung cho cơ thể nhiều kháng thể, từ đó loại bỏ khối u); Cấy ghép tế bào gốc (là biện pháp chữa trị riêng biệt cho bệnh ung thư tủy xương và cho phép bác sĩ thay thế sử dụng liều hóa trị cao)...