Tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh ưu tiên
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật cho thấy, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4/2023 đạt hơn 14.470.593 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt trên 5,65 triệu tỷ đồng, giảm 5,02% với thời điểm cuối năm 2022; số dư tiền gửi của dân cư đạt trên 6,33 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng lên tới 7,96%.
Như vậy, so với dữ liệu của tháng 3/2023 được NHNN công bố cách đây khoảng một tháng, nguồn tiền gửi của tổ chức kinh tế và tiền gửi của dân cư tiếp tục ghi nhận các biến động trái chiều, cho thấy người dân vẫn lựa chọn kênh gửi tiết kiệm dù lãi suất hạ.
Theo giới chuyên gia tài chính, hiện kênh gửi tiết kiệm ngân hàng là lựa chọn tốt nhất cho dòng tiền nhàn rỗi. Bởi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu trong nước vẫn chưa phục hồi; vàng và USD khá ổn định nhưng mức sinh lời thấp, trong khi lãi suất ngân hàng dù hạ nhiệt song vẫn neo ở mức cao, thậm chí có thể tăng cao hơn mức niêm yết nếu gửi khoản tiền lớn, kỳ hạn dài.
Trở lại với số liệu của NHNN, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt trên 5,65 triệu tỷ đồng, giảm 5,02% với thời điểm cuối năm 2022. Như vậy chỉ sau 1 tháng, tính thời điểm tháng 3/2023, nguồn tiền gửi của doanh nghiệp (DN) tiếp tục sụt giảm thêm 8.833 tỷ đồng trong vòng một tháng. So sánh với thời điểm cuối tháng 12/2022, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng hiện nay sụt giảm tới gần 300.000 tỷ đồng. Với tổng số dư là hơn 5,65 triệu tỷ đồng, lượng tiền gửi của các doanh nghiệp (DN) tại ngân hàng hiện chỉ còn nhỉnh hơn đôi chút với thời điểm cuối năm 2021.
Trong khi, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần đưa vào lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng; góp phần tạo thanh khoản dồi dào trên thị trường, qua đó bình ổn và làm giảm mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ tổ chức tài chính giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Theo NHNN, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc NHNN khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, đã định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng DN và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, vốn kinh doanh được đánh giá là một trong những khó khăn lớn nhất mà các DN đang phải đối diện. Thống kê cho thấy, số vốn đăng ký của DN thành lập mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022; cũng như thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022. Ngoài ra, số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.