Cú đúp kích cầu tiêu dùng
Mong muốn sức mua có sự chuyển biến theo hướng tích cực, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lên kế hoạch giảm giá. Cùng với việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, các nhà phân phối, bán lẻ hy vọng sẽ trở thành “cú đúp” tạo đòn bẩy tiêu dùng.
Nhà phân phối MM Mega Market Việt Nam mang đến đại tiệc mua sắm siêu khuyến mãi “Sale sập sàn” hưởng ứng mùa mua sắm hè Shopping Season 2023 của TPHCM. Trong khi đó, siêu thị Emart có nhiều chương trình giảm giá tối đa đến 80%, tập trung vào nhóm hàng nhu yếu phẩm gia đình để hỗ trợ người tiêu dùng.
Từ ngày 15/6 đến 15/9, hệ thống Co.opmart tại TPHCM triển khai chương trình “Shopping season”. Chương trình kéo dài 3 tháng với sự tham gia của hơn 1.000 đối tác của tất cả các ngành hàng. Theo ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong tháng 6 doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có tăng trở lại. Tuy nhiên, các DN bán lẻ vẫn khó khăn trong duy trì tăng trưởng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Còn con số từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Song song các hoạt động giảm giá, nhiều DN bán lẻ cũng chuẩn bị đón việc giảm thuế VAT 2%. Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại...
“Nếu xét từng món thì giảm 2% thuế VAT không nhiều nhưng xem xét trên tổng chi tiêu của gia đình con số này cũng kha khá. Gia đình tôi một tháng chi khoảng 15 triệu đồng, vì vậy khoản tiền tiết kiệm này sẽ hỗ trợ vào khoản chi khác” - bà Bùi Kim Yến (quận 3, TPHCM) chia sẻ niềm vui khi mua sắm tại siêu thị. Còn theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP HCM thì khi VAT giảm, giá cả hàng hóa sẽ giảm và tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, từ đó kích sức mua.
Theo Nghị định 44 của Chính phủ về quy định chính sách thuế VAT, từ ngày 1/7, giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%. Chính sách giảm thuế VAT được triển khai đến hết năm 2023. Ước tính của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi giảm thuế VAT còn 8% đến hết năm. Căn cứ hóa đơn VAT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn VAT.
Giảm thuế VAT 2% sẽ có tác động đến toàn bộ thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023. Đây cũng là một trong những chính sách được các chuyên gia kinh tế đánh giá có tác động rộng rãi, đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ chính sách này chính là người tiêu dùng.
Năm 2022, thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.