Doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ FTA
Chưa thoát khó khăn, doanh nghiệp (DN) sản xuất tiếp tục sụt giảm, nguyên nhân là do số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm. Thời gian còn lại của năm, DN phải vượt qua không ít khó khăn để có thể phục hồi.
Nỗ lực thay đổi
Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy những con số khá khiêm tốn về tình hình khởi nghiệp của DN: 75,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ nhưng có tới 60,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Chỉ có gần 37,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%...
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành cho biết, cái khó của DN hiện nay khác với thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nếu trong giai đoạn dịch Covid-19, DN gặp phải 3 vấn đề khó là dòng tiền, lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng, thì hiện nay cái khó nằm ở việc tiếp cận vốn; giá đầu vào tăng cao; đơn hàng sụt giảm.
Ông Thành nhấn mạnh, để tiêu thụ sản phẩm, nhất là hàng Việt cần cái “bắt tay” giao thương, kết nối giữa DN sản xuất với phân phối bán lẻ trong nước và quốc tế. Điều đáng mừng là, trong giai đoạn hiện nay, các DN cũng đã hợp tác với nhau, cắt giảm chi phí.
Tại Công ty TNHH Việt Thắng, đơn hàng dệt may của DN này đã giảm tới 50-60% từ những thị trường chủ lực. Vì vậy, bài toán tiết giảm chi phí đã được đặt ra ngay từ khâu quản lý nhân sự cho đến dây chuyền sản xuất, tiến tới tự động hóa để giảm bớt nguồn chi cho nhân công. Cùng với đó, DN cũng cải tiến quy trình sản xuất nhờ công nghệ số, chẳng hạn trước kia cần tới 9 bước để hoàn thiện một mẫu sản phẩm thì nay rút xuống còn 3 bước, những bước phụ và các bước có thể áp dụng số hóa đều được DN tận dụng triệt để.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Công nghệ PMA, để hạn chế thấp nhất chi phí đầu vào, DN đã tìm mua nguyên vật liệu trong nước, vừa hạn chế ảnh hưởng của biến động tỷ giá ngoại tệ, vừa tránh bị gián đoạn về chuỗi cung ứng như thời gian vừa qua…
Tương tự, nhiều DN sản xuất, xuất nhập khẩu cũng đã thực hiện cải tiến quy trình, đầu tư cho máy móc thiết bị hiện đại để vừa tiết kiệm thời gian gia công, rút ngắn thời gian giao hàng vừa tiết kiệm năng lượng và tiết giảm chi phí đầu vào. Một số DN đã linh hoạt chuyển đổi phương thức vận chuyển để tiết kiệm chi phí như vận chuyển bằng đường thủy thay cho đường bộ, thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách “swap container” (mô hình sử dụng hiệu quả container) hàng xuất nhập khẩu nhằm giảm thiểu chi phí vận tải…
Theo các chuyên gia, cắt giảm chi phí trong DN không chỉ đơn giản là việc "thắt lưng buộc bụng" trong thời kỳ khó khăn, hay tăng lợi nhuận trong ngắn hạn mà các DN phải có một chiến lược tổng thể để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tìm cách vượt khó
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam là nền kinh tế mở, vì vậy dễ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài.
Hiện tại, chính sách tiền tệ các nước đang thắt chặt để chống lạm phát. Cộng hưởng thêm là ảnh hưởng từ xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, dịch bệnh, thiên tai… làm đứt gãy các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do vậy, theo ông Dũng, thách thức trong thời gian tới không hề nhỏ. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 thì các quý tới phải đạt trung bình 7,5%.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, nhiều ý kiến cho rằng, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn, cụ thể là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đồng thời, tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá tác động tích cực tới khu vực sản xuất, từ đó có những điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết, để hỗ trợ khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Theo ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, tới đây các DN cần tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA đã ký kết để gia tăng xuất khẩu hàng hóa. Cùng với đó, nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống.
Bên cạnh đó, theo ông Phong, nhà quản lý cũng cần nỗ lực nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.