Thú chơi thả diều

TẠ ĐỨC 25/07/2023 14:18

Mùa hè, mùa đầy nắng và lắm gió là mùa thả diều, một niềm vui của cháu và con đong đầy kỷ niệm tuổi thơ của ông và bố.

Những cánh diều ở Kiên Giang.

Tại Bắc Bộ, vào tháng 3-5 âm lịch, hội thi thả diều diễn ra tại nhiều làng quê, lớn nhất là hội ở làng Bá Dương Nội, Đan Phượng, Hà Nội, nơi có miếu Diều thờ Thần Diều với cái tên hơi lạ: Thần Châu Thổ. Dân làng tin rằng, đây chính là quê hương của diều sáo, dạng diều tiêu biểu, đặc sắc nhất của Việt Nam.

Về tục thả diều, nhìn sâu và rộng hơn còn có nhiều điều lý thú.

Các học giả khẳng định tục thả diều đã ra đời ở Trung Quốc cách đây hơn 2.400 năm.

Một truyền thuyết Trung Hoa kể người xưa đã phát minh ra diều khi một nông dân buộc một sợi dây vào chiếc nón để giữ cho nó khỏi bị gió cuốn đi. Bỗng chiếc nón bay lên… và chiếc diều đầu tiên xuất hiện.

Một truyền thuyết khác lại kể, Lỗ Ban (507 - 440 TCN), thợ mộc nước Lỗ ở Sơn Đông đã tạo ra chiếc diều đầu tiên - một con chim ác là bằng gỗ có thể chở người bay trên không 3 ngày liền để trinh sát thành nước Tống. Lỗ Ban còn làm ra một con diều hâu bằng gỗ chở cha mình đến nước Ngô khiến dân Ngô sợ hãi giết luôn người cha. Để trả thù, Lỗ Ban lại tạo ra một vị thần bằng gỗ gây ra nạn hạn hán cho nước Ngô 3 năm liền… Lỗ Ban sau được tôn là ông tổ nghề mộc, người phát minh đại tài ở Trung Quốc. Thợ Việt khi làm nhà, xây mộ vẫn thường phải dùng “thước Lỗ Ban” để chọn kích thước hợp phong thủy.

Một truyền thuyết nữa lại kể Mặc Tử (470 - 391 TCN), một nhà triết học nổi tiếng, vốn cũng là thợ mộc nước Lỗ đã mất 3 năm để tạo ra cánh diều gỗ đầu tiên. Nhưng diều mới bay một ngày đã rơi xuống đất…

Truyền thuyết dân gian kể như thế. Nhưng một nhà nữ dân tộc học người Pháp đã chứng minh rằng tục thả diều thực ra đã ra đời trong văn minh Bách Việt ở 3 nước: Sở, Ngô, Ư Việt cách đây hơn 2.500 năm. Về bản chất, đó là một ma thuật mô phỏng. Xem xét các từ chỉ diều trong các ngôn ngữ: Hoa, Việt, Dao, Ba Na, Khmer, Chăm, Ê Đê… bà thấy chúng đều là từ chỉ các loài chim săn mồi như: Diều hâu, ưng, cắt, cú, cò, đại bàng. Các loài chim này chuyên săn bắt các con vật sống ở nước hay vùng ẩm ướt như rắn, cá, ếch nhái. Diều của nhiều dân tộc cũng có hình dáng mô phỏng các loài chim săn mồi đó. Trong tâm thức của người Bách Việt xưa, chim và rắn là hai biểu tượng Âm - Dương. Vì thế, tục thả diều vào đầu mùa thu là một ma thuật cầu nắng, đuổi mưa, chống lụt lội. Chiếc diều là biểu tượng của chim - mặt trời - nắng gió - mùa khô bay lên săn đuổi các biểu tượng của rắn - mặt trăng - mưa - mùa mưa, từ đó chấm dứt mùa mưa, mở đầu mùa khô - mùa thu hoạch.

Cuộc thi sáo diều ở Thái Bình.

Rất có thể, nơi ra đời của những chiếc diều đầu tiên là nước Ư Việt ở Chiết Giang, vùng đất gốc của tín ngưỡng thờ vật tổ chim, quê hương của nghề ươm tơ dệt lụa, nơi sẵn có tre, tơ tằm và vải lụa, các vật liệu lý tưởng cho việc làm diều.

Dân gian thường gán những phát minh này cho những danh nhân, điều đó không lạ. Nhưng cũng không ngẫu nhiên, Lỗ Ban hay Mặc Tử, hai người Sơn Đông lại được cho là đã tạo ra chiếc diều đầu tiên. Năm 472 TCN (khi Lỗ Ban 35 tuổi và 2 năm trước khi Mặc Tử ra đời), vua nước Việt là Câu Tiễn rời đô từ Cối Kê ở Chiết Giang tới Lang Nha ở Sơn Đông. Lang Nha trở thành trung tâm tín ngưỡng của Việt, nơi tiến hành các nghi lễ cầu đảo của các phương sĩ Việt, trong đó có nghi lễ thả diều. Từ diều tre Việt, Mặc Tử hay Lỗ Ban đã tạo ra diều gỗ Lỗ. Vì thế, truyền thuyết về Lỗ Ban làm diều cũng nói về mối liên hệ giữa diều và nạn hạn hán.

Mối liên hệ giữa tục thả diều và lễ cầu nắng cho đến giữa thế kỷ XX vẫn còn thấy ở Nam Bộ (Việt Nam). Khi sắp đến mùa gặt lúa, người Việt và người Khmer ở Sóc Trăng có tục thả diều cầu nắng. Nhưng có năm, những người có ruộng lúa chín chậm phản đối việc này vì lo ruộng của họ sẽ khô cạn quá nhanh khiến lúa của họ nhẹ hạt...

Người Việt Bắc Bộ trước 1954 vẫn còn làm các dạng diều có hình chim gọi là diều cánh cốc, diều con quạ, diều chữ thập (cách điệu con diều hâu)…

Từ mối liên hệ thần bí giữa diều và các con vật nước, người xưa có tục dùng diều đánh bắt cá hay gắn lông diều hâu vào phao lưới với hy vọng người sẽ đánh được nhiều cá hơn. Tục này từ Trung Quốc lan tỏa tới tận vùng biển Nam Thái Bình Dương. Ngày nay tại Australia và Newzealand, người ta vẫn dùng diều vừa đi câu cá ngừ vừa như môn thể thao…

Trở lại với cánh diều ma thuật, để tăng hiệu quả, người xưa còn gắn lắp các vật tạo âm vào diều như: Dây lụa, dây mây, đàn dây, sáo trúc... Họ tin âm thanh từ chúng có thể tạo ra gió đuổi đi các đám mây đen gây mưa. Đó chính là cội nguồn của dạng diều gọi là “đàn tranh trong gió” có âm thanh như tiếng đàn tranh (đàn thập lục) ở Trung Quốc và dạng diều sáo của người Việt Nam với các ống sáo có âm thanh được ví với tiếng chuông, chiêng, còi, tù và ốc...

Từ chiếc diều - tàu lượn này đã ra đời chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới của hai anh em nhà Wright - người Mỹ.

Sau này, người xưa còn có tục đấu hay chọi diều với ý nghĩa ma thuật tương tự như các tục đua thuyền chim - thuyền rồng. Hai đội thả hai loại diều, một có hình chim, biểu tượng cho mùa khô, một mang hình rắn, cá, biểu tượng cho mùa mưa. Dây diều được tẩm một lớp hồ gạo trộn bột thủy tinh hay gắn với các con dao để có thể móc và cắt được dây diều đối phương. Để cầu nắng, diều hình chim sẽ được cố ý cho thắng.

Hội thi diều sáo vượt câu liêm ở xã Song An, Vũ Thư (Thái Bình) có thể là một biến thể của tục đấu diều xưa. Trong hội, ai điều khiển được diều của mình bay lách vượt qua khoảng rộng 50 cm giữa hai lưỡi câu liêm trên đầu hai chiếc sào để bay cao là thắng cuộc.

Tục thả diều, từ một ma thuật cầu nắng vào mùa thu sau đã hóa thành một ma thuật cầu yên, cầu sức khỏe vào mùa xuân.

Tại Trung Quốc xưa, đến tết Thanh Minh, sau khi cúng bái tổ tiên, người ta thả diều với niềm tin diều có thể xua đuổi tà khí và những điều đen đủi. Có nơi, người ta viết lên thân diều hình người tên các loại bệnh dịch, sau khi thả diều sẽ cắt đứt dây cho diều mang những bệnh đó bay xa khỏi con người.

Mặt khác, người ta cũng coi thả diều là một môn thể thao vận động toàn thân rất bổ ích. Khi nhìn diều bay, người há mồm để xả ra khí độc hại trong người và hít vào khí từ tự nhiên trong lành.

Chiếc diều khởi nguồn là một biểu tượng ma thuật, sau được dùng vào rất nhiều việc.

Năm 196 TCN, tướng Hán Hàn Tín đã cho làm một chiếc diều bằng da trâu thả lên trời, dựa vào độ dài của dây để tính khoảng cách đến cung điện nơi quân Sở đang bị vây hãm, từ đó đào một đường ngầm thâm nhập vào cung, đánh bại quân Sở.

Vào năm 600, một viên tướng Triều Tiên đem quân đi dẹp loạn. Tuy nhiên, quân của ông không chịu ra trận sau khi thấy một sao băng lớn như một điềm xấu. Viên tướng cho thả một chiếc diều lớn mang một quả cầu lửa lớn lên trời. Quân của ông thấy ngôi sao đã trở về trời, vững lòng tiến lên đánh bại quân địch.

Khoảng năm 1.500, tục thả diều xuất hiện trên các bức tranh ở Ấn Độ. Một đề tài ưa thích là miêu tả một chàng trai dùng diều thả thư tình cho người yêu đang phải sống cách ly trong rừng.

Đến thế kỷ 18, tục thả diều lan tới châu Âu và châu Mỹ. Năm 1749, một nhà khoa học Scotland dùng diều đo nhiệt độ ở các độ cao khác nhau và diều trở thành công cụ đo khí tượng. Năm 1752, một người Mỹ đã phóng một chiếc diều lên trời trong lúc bão dông sấm sét để chứng minh chớp là một sự phóng điện trong tự nhiên chứ không phải là dấu hiệu cho cơn thịnh nộ của thần linh, từ đó phát minh ra cột thu lôi. Năm 1853, một nhà khoa học Anh, từ chiếc diều cánh cong chế tạo ra chiếc tàu lượn đầu tiên. Trong các năm 1890, một người Đức lần đầu tiên dùng diều bay lên trời. Năm 1903, hai anh em người Mỹ đã tạo ra chiếc máy bay đầu tiên từ dạng diều - tàu lượn.

Từ dạng diều hình chim, trong lịch sử đã phát triển thành nhiều dạng diều hình động vật, hình người, hình học với muôn màu sắc, chất liệu. Hiện bảo tàng diều lớn nhất thế giới ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trưng bày 2.000 chiếc diều các loại từ khắp nơi trên thế giới, trong đó chiếc lớn nhất dài 6.000m, chiếc nhỏ nhất chỉ dài 5 mm. n

TẠ ĐỨC