Xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh
Theo bà Đặng Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, những năm qua, MTTQ tỉnh Hòa Bình luôn bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam cụ thể hóa các nội dung phù hợp với tình hình của địa phương; chỉ đạo MTTQ cấp huyện, hướng dẫn MTTQ cấp xã, Ban công tác Mặt trận triển khai Ngày hội với nội dung đơn giản, dễ làm, dễ nhớ phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục, tập quán ở khu dân cư. Đội ngũ cán bộ Mặt trận thường xuyên được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực công tác, tuyên truyền, vận động, kỹ năng tổ chức, điều hành các hoạt động ở cơ sở.
Cùng với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng, việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư là yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”, lối sống được lành mạnh hóa.
Thông qua Ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức giúp đỡ nhau như chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, thành lập các tổ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (năm 2004 là 9,19%, đến năm 2021 giảm xuống còn 6,24% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình thông tin thêm, từ năm 2003 đến nay, MTTQ các cấp tỉnh Hòa Bình luôn động viên nhân dân tham gia giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và thực hiện theo quy ước, hương ước của khu dân cư, xây dựng khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội, vận động người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Từ việc duy trì và nhân rộng các mô hình "Tổ liên gia tự quản", "Tổ an ninh nhân dân", "Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội", đến nay tỉnh Hòa Bình đã có 114 xã, phường, thị trấn có tổ tự quản, 3.531 thôn, bản, tổ dân phố có các mô hình tự quản thu hút trên 45.000 hộ gia đình tham gia. Cùng với đó, hàng nghìn tổ hòa giải ở cơ sở đã hoạt động hiệu quả đã góp phần giải quyết những mâu thuẫn không để phát sinh điểm nóng ở khu dân cư.
“Nhờ thu hút được đông đảo nhân dân tham gia Ngày hội, hằng năm số lượng hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” ngày càng tăng cả về lượng và chất. Đây là nhân tố quan trọng tác động đến nhiều lĩnh vực xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo dựng môi trường văn hoá, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hoá các dân tộc” - bà Đặng Bích Ngọc cho biết.