Vì sao Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông?
Sau khi triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông, đến nay Hà Nội còn 32 điểm ùn tắc, giảm 5 điểm so với năm trước. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng ô tô đạt hơn 10%, hơn 3% với xe máy, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp thì tình trạng ùn tắc vẫn phức tạp.
Hà Nội còn 32 điểm đen ùn tắc
Sở GTVT Hà Nội cho hay, trong 6 tháng đầu năm đơn vị này xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng
Được biết, để giảm ùn tắc, trong 6 tháng đầu năm Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức thí điểm điều chỉnh những bất cập về tổ chức giao thông một số nút giao thông.
Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện phân làn phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân; Tổ chức giao thông tại 6 nút giao trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (trục đường xe buýt BRT); Tổ chức giao thông các trục, tuyến đường khác gồm: Trục đường Vành đai 2, Thụy Khuê, Chu Văn An - Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi.
Trên cầu Thanh Trì và trục đường vành đai 3 trên cao, Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông ở 26 nút giao, ngã tư.
Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp
Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết: Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20 - 26% trong đô thị trung tâm. Trong đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%.
Quy hoạch cũng nêu rõ tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50 - 55% tổng nhu cầu đi lại.
Theo ông Bảo, thời gian qua, mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã được hình thành, gồm: tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được đầu tư xây dựng, 153 tuyến buýt, trong đó có 9 tuyến buýt điện và 10 tuyến sử dụng năng lượng sạch CNG.
Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, 512/579 xã, phường, thị trấn, kết nối 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Tỷ lệ bao phủ của vận tải công cộng ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Song, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, trong bối cảnh lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ùn tắc còn diễn biến tương đối phức tạp.
“Thống kê cho thấy, số lượng phương tiện tại Thủ đô hiện tại là hơn 7,9 triệu xe. Trong đó, có 1,1 triệu xe ô tô, có 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện. Tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khách nhau.
Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội mới đạt khoảng 10,3%, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%, tỷ lệ khách tham gia vận tải công cộng mới đạt 18,5%. Tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi”, ông Bảo chia sẻ.
Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, vị Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, thời gian tới, cơ quan chức năng thành phố sẽ tiếp tục tập trung các nhóm giải pháp như: tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6…
Cùng đó, tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông hợp lý; Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông và xử lý vi phạm ATGT; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT.
Đặc biệt, Sở GTVT sẽ rà soát các bất cập của tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức lại giao thông hợp lý hạn chế xung đột; phối hợp với lực lượng chức năng, các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện thực hiện tổ chức phân luồng giao thông hợp lý nhất để phục vụ thi công các dự án.