Dọn 'rác' văn học mạng
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, văn học mạng thời gian qua đã trở thành hiện tượng, thậm chí là “bà đỡ” cho nhiều cây bút trẻ. Tuy nhiên, không gian sáng tạo này đang vô tình “tiếp tay” cho một số sản phẩm có nội dung nhảm nhí, độc hại, được nhiều người ví là “rác” văn hóa.
Xu thế của văn học mạng
Trong hơn 10 năm trở lại đây, với sự phát triển đa dạng của các loại hình giải trí, việc tiếp cận khán giả của các loại hình văn hoá như âm nhạc, điện ảnh… đặc biệt là văn học đang dần có những thay đổi theo xu thế phát triển của công nghệ. Công chúng giờ đây không chỉ tìm đọc các tác phẩm văn chương qua sách, báo… mà có thể đọc mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị thông minh. Sự thay đổi này đã mở đường cho sự ra đời và phát triển của các tác phẩm văn học mạng trong những năm qua. Dường như văn học mạng hiện nay đã trở một bộ phận không thể tách rời của đời sống văn học đương đại, trở thành “bà đỡ” cho nhiều cây bút.
Có thể thấy, không chỉ các nhà văn trưởng thành từ đời sống văn học mạng như Trang Hạ, Đỗ Nhật Phi, Phan An... mà các tác giả thuộc thế hệ người viết uy tín như Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiếu Nhơn, Phong Điệp... đều có những tài khoản cá nhân, trang web để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Điều này góp phần tạo nên một không gian đối thoại mở trên môi trường mạng.
Theo nhận định của nhà văn Nhật Phi, chưa bao giờ trong lịch sử ngành văn học, người viết lộ diện nhiều như hiện nay. Lướt trên các trang mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp nhiều nhóm, cộng đồng người sáng tác, ở đủ các thể loại, đề tài, đủ các mức độ chất lượng. Những người viết online thường là những người trẻ. Mạng xã hội, trong văn chương cũng như trong hầu hết các lĩnh vực khác cập nhật nhanh hơn và lan truyền rộng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà văn học mạng mang lại, đã và đang bộc lộ những “mảng tối” bởi sự tràn lan các sản phẩm có nội dung độc hại, đi ngược với thuần phong mỹ tục. “Dạo qua” các trang web văn học hiện nay, ngoài các địa chỉ chính thống của đơn vị xuất bản, các tác giả có uy tín, không khó để tìm thấy những sản phẩm “tự phong” dưới tên gọi tác phẩm văn học có nội dung đi sâu vào những tình tiết giới tính nhạy cảm, hay những câu chuyện về bạo lực… tác động tiêu cực đến văn hóa toàn xã hội.
Nhìn nhận về thực trạng này, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, ở thời điểm hiện tại, khi phương thức xuất bản truyền thống cởi mở hơn trong cấp phép, in ấn, phát hành, quảng bá… thì những hiện tượng phổ biến “tác phẩm” trên mạng xuất hiện theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. Rất khó có thể điểm danh được một đội ngũ sáng tác thành công ở không gian này. Đáng nói hơn, nhiều “nhà văn mạng” không chỉ dừng lại ở việc công bố những bài viết sốc, sến, vi phạm thuần phong mỹ tục… mà còn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. Đã có không ít người bị phạt vì in lậu những cuốn sách nội dung đúc rút kinh nghiệm livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng; có người bị phạt vì dạy độc giả chiêu trò, mánh khóe có động cơ xấu; có những hội nhóm kín tổ chức trao đổi chủ đề nhạy cảm, hẹn nhau “giao lưu”… Như vậy, sự xuất hiện một cách xô bồ đã khiến cho “cõi mạng” nhiều khi chứa đủ các loại rác đầu độc người xem, đặc biệt là giới trẻ…
Cần “bức tường lửa”
Cũng theo nhà thơ Lữ Mai, vài năm trở lại đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã cảnh báo rõ nguy cơ và biến tướng khó lường từ hiện tượng này, đồng thời Cục cũng phối hợp các cơ quan chức năng theo dõi, xử lý; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thêm thông tin… Tuy nhiên, mọi giải pháp chỉ mang tính tương đối, vẫn đang thiếu giải pháp mang tính đồng bộ, triệt để. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…
Thực tế đó đòi hỏi mỗi người cần có một bộ lọc để “miễn nhiễm”. Nhưng, với các đối tượng như trẻ em, nhận thức và các vấn đề khác đang trong giai đoạn dần hoàn thiện thì cần trang bị thêm những nền tảng khác như giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội… Chúng ta vẫn thấy thiếu hụt những điều tưởng chừng đơn giản, gần gũi ấy. Ví dụ, người lớn trong nhà luôn tay điện thoại, không sát sao, chia sẻ và định hướng; trường lớp chưa có nhiều hoạt động ngoại khóa tác động vào nhận thức, kỹ năng sống cho học sinh; chưa có biện pháp hữu ích kiểm soát và can thiệp tiếp nhận, hành động của trẻ trên internet… vậy thì một lúc nào đó, trẻ em có thể sập bẫy. “Cũng rất nên lưu ý, cái bẫy đội lốt văn chương, trí tuệ, tâm hồn… ngấm dần theo ngày tháng, điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả những cái bẫy hiện hữu mà ta có thể nhận biết, ngăn chặn tức thời” - nhà thơ Lữ Mai nhấn mạnh.
Có thể nói, phát triển của văn học mạng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đồng hành với sự phát triển đó văn học mạng đang cần những bức “tường lửa” trong quản lý để đưa người đọc đi đúng hướng, tìm đến được những tác phẩm hay, thấm đậm giá trị nhân văn. Không những vậy, thông qua cách quản lý còn mở ra con đường giúp nhà văn trẻ chưa thành danh có cơ hội sáng tác và quảng bá tác phẩm đến với công chúng. Ở đó, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp để phát hiện sớm, xử lý những tác phẩm có nội dung lệch lạc chuẩn mực đạo đức nhằm làm trong sạch đời sống văn học mạng. Điều quan trọng là phải nâng cao văn hóa của người đọc để họ có thể nhận diện được đâu là những giá trị đích thực, đâu là những nội dung phản nghệ thuật, phản văn hóa khi đến với các tác phẩm văn học trên môi trường mạng.
Theo nhà thơ Lữ Mai, ở thời điểm hiện tại, khi phương thức xuất bản truyền thống có nhiều cởi mở trong cấp phép, in ấn, phát hành, quảng bá… thì những hiện tượng phổ biến “tác phẩm” trên mạng xuất hiện theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. Rất khó có thể điểm danh được một đội ngũ sáng tác thành công ở không gian này.