Hà Nội nhân rộng mô hình danh lam thắng cảnh kiểu mẫu
Hà Nội có 5.922 di tích trải rộng khắp các quận, huyện, thị xã. Tại Kế hoạch về “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn giai đoạn 2022-2025”, TP Hà Nội đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố xây dựng mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” với ít nhất 40 mô hình trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.
Từ cuối năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã lựa chọn địa bàn và triển khai thí điểm đối với mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023 tại 5 di tích của 2 huyện: Khu di tích Đền – Chùa Bà Tấm, Đền Gióng, Làng Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Đền Sóc, Tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn). Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, các cơ sở Hội trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, triển khai, ra mắt mô hình tại địa bàn như: Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh); Đền Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai); Chùa Hưng Long, Chùa Linh Quang (huyện Thanh Trì); Chùa Hưng Phúc (huyện Hoài Đức)…
Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội, đến nay, 12 mô hình cấp thành phố, cấp huyện được triển khai tại nhiều địa phương. Cùng với huyện Đông Anh, Gia Lâm, một số địa phương đã tích cực triển khai gồm: Sóc Sơn (đền Sóc), Thanh Oai (đền Nội, Bình Đà), Đan Phượng (đền thờ Tô Hiến Thành, chùa Đôi Hồi)… Mô hình đã tạo ra nhiều công trình, phần việc thiết thực như: Lắp đặt hệ thống bảng biểu, quy tắc ứng xử; ra mắt công trình vườn hồng (300 cây hồng cổ); trồng hàng cây dọc đường vào khu di tích…
Với những hiệu quả từ mô hình đem lại, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội sẽ nhân rộng đến các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đoàn thể tiếp tục triển khai mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”.