Bệnh nhân tim mạch đang trẻ hóa

Đức Trân 11/07/2023 06:01

Thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5% trong tổng số các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu. Đáng lo ngại , tỷ lệ người trẻ mắc bệnh lý tim mạch đang tăng lên và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Thăm khám bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh BVCC.

Nhập viện vì bệnh tim mạch khi mới ngoài 30 tuổi

Một trường hợp điển hình, bệnh nhân T. (31 tuổi) vốn hoàn toàn khỏe mạnh. Khoảng 5 ngày trước khi vào viện, người bệnh xuất hiện các cơn ho, khạc đờm trắng đục, sốt cao 39 độ kèm đau rát họng. Với triệu chứng này, anh T. tưởng mình mắc Covid-19 nhưng xét nghiệm âm tính. Tình trạng sau đó không thuyên giảm, sốt cao và mệt, bệnh nhân đã đi khám.

Tại bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có phình ở thành sau thất trái, theo dõi viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và chuyển lên Đơn vị Hồi sức cấp cứu C1 (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán khối phình sau thành thất trái rất mỏng, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Sau 1 đêm được theo dõi sát sao, sáng ngày hôm sau, bệnh nhân đột ngột ngừng thở, ngừng tim, mất hoàn toàn ý thức và rơi vào tình trạng chết lâm sàng…

Nhận định đây là tình huống vỡ tim phải mổ mở gấp, Viện Tim mạch báo động đỏ và trực tiếp TS.BS Dương Đức Hùng - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch C8 đã phẫu thuật cứu bệnh nhân. Sau 3 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã tạo hình lại buồng tim đã vỡ cho người bệnh.

Theo TS Hùng, đây là một tổn thương nặng, khó xử lý, tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, đặc biệt là mổ trong tình trạng bệnh nhân đã ngừng tim. Vì thế, mọi việc triển khai ca phẫu thuật mang đúng tính chất “cướp thời gian”, tức là chỉ cho phép trong vài phút.

Một trường hợp khác, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết đã tiếp nhận nam thanh niên N.T.H. (33 tuổi) nhập viện do đau tức từng cơn ở ngực trái, đau nhiều khi vận động mạnh. Trước đó, bệnh nhân chưa mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp nhưng hút thuốc lá nhiều năm.

Sau khi làm các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Anh H. được chỉ định chụp mạch vành để đánh giá mức độ tổn thương và tiến hành can thiệp mạch.

Khi tiến hành chụp mạch, bác sĩ phát hiện có tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Các bác sĩ đã tiến hành đặt Stent mạch vành cho người bệnh. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không còn tình trạng đau tức ngực.

Nguy cơ tử vong cao

Thực tế, những trường hợp phải nhập viện vì các bệnh tim mạch khi tuổi đời còn khá trẻ không còn là hạn hữu trong những năm gần đây.

Theo Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 3 người trên 25 tuổi thì ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi.

Số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây và có khá nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20% và ngày càng trẻ hóa. 10 năm trước, mỗi năm Viện Tim mạch quốc gia làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Nay số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm. Những năm gần đây người dưới 40 tuổi bị tăng huyết áp chiếm tới 20% và ngày càng trẻ hóa. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch được chú ý nhiều nhất.

Tăng huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu kết hợp thêm cả yếu tố béo phì, nghiện thuốc lá và cholesterol cao thì nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ sẽ tăng lên đáng kể. Có người 30-40 tuổi, thậm chí 27-28 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim. Nhiều trẻ nhỏ đã bị béo phì và đái tháo đường, có trẻ bị đái tháo đường tuyp 2, bệnh mà trước đây chỉ có ở người già, đây là nguy cơ rất đáng lo ngại.

Hệ quả của lối sống công nghiệp hóa

Lý giải nguyên nhân của sự trẻ hóa này, GS.TS Đỗ Doãn Lợi - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho rằng, do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao.

“Bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua vận động thể thao và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và đạm thực vật, đặc biệt là đạm đậu nành” - ông Lợi khuyến cáo.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm hay áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim ở người trẻ.

Đức Trân