Mua bán giấy nghỉ ốm để trục lợi: Xử lý thế nào?
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm mua bán mua bán giấy nghỉ ốm. Việc làm giả giấy chứng nhận nghỉ ốm, làm khống giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động đã tiếp tay cho nhiều người trục lợi bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cần phải bị xử lý.
Mới đây, Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt khám xét 8 cơ sở y tế trên địa bàn; thu giữ hàng trăm nghìn giấy chứng nhận bệnh nghỉ hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả (chưa có thông tin người khám)...
Cơ quan điều tra xác định ngoài việc khám chữa bệnh, những phòng khám này còn mua bán, làm khống các loại giấy tờ như giấy chứng nhận nghỉ ốm, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty.
BHXH Bình Dương cho biết, trong năm 2022, kiểm tra tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, kết quả kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở khám chữa bệnh thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt trong việc tạo lập và cấp các chứng từ làm căn cứ hưởng chế độ BHXH. Qua kiểm tra, đơn vị phát hiện 14 cơ sở khám, chữa bệnh cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH chưa đúng quy định, đã thu hồi số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo của Bệnh viện E việc giấy khám sức khỏe của bệnh viện bị các đối tượng làm giả khá phổ biến và bệnh viện thường xuyên phải giải quyết nhiều trường hợp giả mạo do cơ quan an ninh gửi tới. Các đối tượng làm giả nhiều loại giấy tờ, thậm chí còn ghi tên cả giám đốc, phó giám đốc. Một số lãnh đạo và bác sĩ từng làm việc tại bệnh viện đã nghỉ hưu rất lâu vẫn được các đối tượng làm giả giấy tờ.
Theo ông Phạm Minh Thành - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, tại thời điểm doanh nghiệp khó khăn, sản xuất đình trệ, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng dẫn đến thu nhập của người lao động giảm sút. Một số người đã nghĩ ra những cách để trục lợi Quỹ BHXH.
BHXH tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ rà soát, nhận diện các cơ sở có dấu hiệu vi phạm cấp khống giấy nghỉ việc hưởng BHXH để tiến hành kiểm tra, xác minh. BHXH tỉnh cũng đã thành lập Tổ xác minh việc cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH trên địa bàn. Hàng tháng, tổ chức kiểm tra, xác minh trực tiếp tại các cơ sở y tế (có dấu hiệu) và trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp, nơi cư trú, nơi làm việc của người tham gia BHXH để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm đối với các cơ sở y tế vi phạm trong việc khám, cấp giấy chứng nhận.
Trong khi đó, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho hay, thực tế việc cấp giấy nghỉ ốm nhằm trục lợi quỹ BHXH, BHYT đã diễn ra nhiều năm nay. Cơ quan BHXH đã chỉ đạo các địa phương xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Từ cuối năm 2022, BHXH Việt Nam đã đưa ra quy trình khám chữa bệnh BHYT và bảng thống kê dùng vật tư y tế... để kiểm soát. Ngoài việc giám định điện tử, đơn vị có giám định trực tiếp, nhất là tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Nhờ vậy, BHXH đã ghi nhận trên hệ thống về thông tin một bác sĩ đăng ký khám chữa bệnh tại TPHCM nhưng cùng thời gian phát hiện bác sĩ này cũng đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở 2 ở Vĩnh Long..
Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, những hành vi cấp giấy tờ giả, các giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe, hồ sơ bệnh án không đúng quy định của pháp luật về khám chữa bệnh là hành vi giả mạo trong công tác đối với những người có chức vụ quyền hạn. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 359 Bộ luật Hình sự về tội giả mạo trong công tác với mức hình phạt cao nhất tới 20 năm tù (nếu cấp giấy tờ giả từ 11 giấy tờ trở lên).