Vượt khó, vượt khổ
Thế kỷ trước, một học giả danh tiếng của Việt Nam, ông Nguyễn Bá Học (1857 - 1921) đã để lại cho đời một danh ngôn nổi tiếng, có sức sống lâu bền với thời gian, đó là: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Theo đó, nhờ có lòng quyết tâm vượt khó, vượt khổ thì không có trở ngại nào có thể cản bước được chúng ta trên mọi nẻo đường đời.

Trước hết ta cần nhờ Từ điển xác định cái khó khăn, cái gian khổ ở đời. Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Khó là: 1/Đòi hỏi phải có nhiều điều kiện hoặc phải cố gắng nhiều, vất vả nhiều mới có được. Thí dụ: Đường khó đi. Bài toán khó. Làm khó cho nhau. “Trong tay đã sẵn đồng tiền, mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì” (Nguyễn Du).
2/Đòi hỏi nhiều để có thể hài lòng (tính người). Thí dụ: Tính cô ấy khó lắm. Khó tính ai mà chịu được.
3/(Kết hợp hạn chế) Nghèo, thiếu thốn. Thí dụ: Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống (tục ngữ). “Cái kiến mày kiện củ khoai, mày chê tao khó lấy ai cho giàu” (ca dao)”. “Khó khăn là: Khó, có nhiều trở ngại hoặc thiếu thốn (nói khái quát). Thí dụ: Khắc phục khó khăn. Đời sống còn khó khăn”. “Vất vả là: Ở vào tình trạng phải bỏ ra nhiều sức lực hoặc tâm trí vào một việc gì. Thí dụ: Làm ăn vất vả. Vất vả về đường chồng con”.
Bài viết ngắn này đề cập đến một số vấn đề: Ngăn sông, cách núi, ngại núi, e sông và các suy nghĩ để giải quyết các vấn đề đó qua ý kiến của một số nhà triết học.
Trước hết xin dẫn lời dạy rất quan trọng của nhà triết học cận đại người Đức, ông Reinhold Niebuhn (1892 - 1971) đã giúp chúng ta có một công thức hết sức ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu để nắm bắt một tình hình mới xảy ra.
Công thức này đáng quý ở chỗ ai cũng có thể thực hành được, ai cũng có thể áp dụng cho mình được dù ở lứa tuổi nào, dù ở tầng lớp xã hội nào. Cái công thức đáng quý trọng ấy là: “Xin Thượng đế hãy ban cho tôi ba điều: 1/Lòng thanh thản để có thể chấp nhận được những điều mà tôi không thể thay đổi được. 2/Lòng can đảm để tôi làm được những điều mà tôi có thể thay đổi được. 3/Sự khôn ngoan để tôi phân biệt được hai điều đã nêu ở trên”.
Đã có nhiều tác giả phân tích tỉ mỉ lời dạy này của Reinhold Niebuhn. Ở mệnh đề thứ nhất cho ta thấy cuộc sống hàng ngày thật vô cùng khó khăn, vất vả. Lúc bé thì phải chăm chỉ học hành để không bị đuối sức so với các bạn trong cùng tổ, cùng lớp. Lớn lên, càng học lên cao càng khó nhọc, có khi phải cạnh tranh với hàng trăm người mới có một người trúng tuyển vào năm thứ nhất của trường đại học. Học hết đại học rồi, đã có hàng nghìn, hàng vạn cử nhân thất nghiệp vì đâu có dễ tìm được việc làm. Trong khi các xí nghiệp, nhà máy, cơ quan hành chính, các viện nghiên cứu, do khoa học kỹ thuật ngày càng nâng cao, ngày càng phát triển, cải tiến liên tục, nên mọi người phải cạnh tranh liên tục để giữ được chỗ làm việc.
Nỗi lo thất nghiệp luôn thường trực đối với người lao động, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc, nhất là khi bước vào thế kỷ XXI với trí tuệ nhân tạo, robot hóa, tự động hóa nên không cần đến số lượng nhân lực nhiều như cũ nữa. Những ai muốn tồn tại phải luôn tìm cách trau dồi kiến thức, tự nâng cao trình độ của mình mới mong phù hợp và cập nhật được với tình hình mới.
Đúng như triết gia Mac Anderson (1919 - 1979) đã tổng kết: “Thất bại luôn chiếm phần lớn trong cuộc sống của chúng ta”. Vì thế ta phải biết chấp nhận thất bại, biết chịu đựng trước những hoàn cảnh ta không thể xoay chuyển được, nghĩa là phải biết chấp nhận và tuân theo hoàn cảnh mới. Như vậy, lúc này, có lòng thanh thản, có tâm bình an là vũ khí quan trọng nhất để tránh gục ngã và bình tĩnh, can đảm tìm lối thoát mới.
Sang đến mệnh đề thứ hai là: Lòng can đảm để làm được việc trong những tình thế mà ta có thể thay đổi được. Điều này chính là vượt khó, vượt khổ để chiến đấu và chiến thắng. Đây chính là lòng can đảm để đánh tan tư tưởng đầu hàng, kém cỏi vì “ngại núi, e sông”. Điều này, đức tính này, kỹ năng này cũng cần đòi hỏi sự cố gắng rèn luyện dần dần, mỗi ngày thêm một chút kể từ lứa tuổi niên thiếu cho đến lúc trưởng thành.
Nếu gặp hoàn cảnh chỉ cần có đôi chút thuận lợi, ta lập tức không được bỏ lỡ, không được bỏ phí, phải bắt nhịp ngay, phải lao vào cuộc ngay để tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mình. Lòng can đảm mà Niebuhn nêu ra còn được soi sáng ở các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đã phải đặt stent động mạch vành.
Trong những trường hợp thoát được cái chết do đột quỵ não và đột quỵ tim đó, ai có lòng can đảm, ai dám vượt qua đau đớn, khó nhọc để tập luyện, để hết sức chịu đựng vất vả mà quyết tâm ngày đêm tập luyện, lạc quan, tin tưởng vào các biện pháp điều trị và tập luyện nhất định sẽ chiến thắng được cái chết, cái tật nguyền mà thích nghi được với sự bình thường trong hoàn cảnh mới, trong tình hình mới.
Thực tế cuộc sống đã cho thấy, ai vốn sẵn có sự “ngại núi, e sông” trong tư duy tiêu cực mà chẳng may rơi vào hoàn cảnh đột quỵ thì luôn sợ hãi, lo lắng, bi quan dẫn đến tử vong sớm và ít có cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường.
Sang đến mệnh đề thứ ba mà Niebuhn nêu lên mới thật hết sức quan trọng, sâu sắc và thú vị. Nó đòi hỏi phải có được cả kiến thức xã hội, kiến thức tự nhiên, kinh nghiệm sống, sự từng trải, sự nếm mùi đau khổ, cay đắng mới vỡ vạc dần ra để hiểu rõ mệnh đề thứ ba này. Nếu không đủ trí khôn mà nhầm lẫn giữa cái không thể thay đổi được mà cho là có thể thay đổi được thì hậu quả là khôn lường, có khi tan cửa nát nhà, thân bại danh liệt.
Trái lại, nếu gặp đúng thời cơ, gặp đúng lúc có cơ hội có thể thực hiện được, có thể tiến tới được mà lại nhầm lẫn và e sợ là không thể làm được, đành chịu thua, đành đánh mất cơ hội, có khi cơ hội cả đời chỉ đến với ta một lần thì thật là ân hận suốt đời.
Để thấm nhuần hết ba mệnh đề trong lời dạy hết sức đáng quý của Neibuhn ta cần thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ rất cụ thể mà ông cha ta đã dạy như: “Trăng đến rằm thì trăng phải tròn”, “Đò đã đông người thì đò phải sang sông”, “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”, “30 chưa phải là Tết”, “5 ngón tay trong một bàn tay thế nào cũng có ngón dài ngón ngắn”, “Ai nắm tay đến tối, ai duỗi tay đến sáng”, “Yêu chanh chanh ngọt, ghét hồng hồng chua”...
Cứ đọc kỹ những lời dạy bảo dân gian vừa kể trên, đọc đi đọc lại, hiểu cho đầy đủ, áp dụng sáng tạo cũng giúp ích cho ta rất nhiều. Những lời tưởng là dân gian dễ hiểu này thực ra là những kinh nghiệm vô cùng quý báu, phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được, nên có giá trị mãi mãi.
Tiếp tục với cách suy nghĩ để vượt khó, vượt khổ trong cuộc sống hàng ngày, nhà tâm lý học xuất sắc của mọi thời đại, ông Alexandre Dumas cha (1800 - 1884) đã nêu ra một nguyên tắc sống rất có ích như sau: “Nói ra được những sự khó khăn mà mình đang gặp phải cũng chính là sự tự an ủi cho mình”. Điều này rất quan trọng. Nếu xác định được khó khăn, gian khổ thì mới có suy nghĩ là nên tiến hay nên lui, tiến kiểu gì và lui kiểu gì. Tức là đặt các vấn đề lên mặt bàn mà suy nghĩ, mà thảo luận. Lời dạy này nghe qua thì tưởng dễ hiểu, dễ làm nhưng thực tế có người sợ sự thật, tránh né khi phải nói đến khó khăn, vất vả. Mà nếu không dám đối diện thẳng thắn với sự thật thì thất bại gần như là chắc chắn.
Triết gia danh tiếng người Ý, ông Sylvio Pellico (1789 - 1854) đã khẳng định giúp con người bằng danh ngôn để đời: “Sự cực khổ không hề làm mất giá trị con người, trái lại nó đã nâng cao họ lên, nếu họ không phải là những kẻ hèn nhát”.
Việt Nam ta cũng có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” cũng có ý nghĩa tương tự, nhằm ca ngợi những ai đã vượt qua được gian nan khổ cực để xứng đáng là “vàng mười”, xứng đáng có năng lực để đạt được “giá trị làm người”.
Nữ thi sĩ tài hoa người Pháp, bà De Maintenon (1635 - 1719) lại có cái nhìn nhân ái để an ủi con người: “Khi bạn thấy khổ, bạn hãy nghĩ đến những người còn khổ hơn bạn, đó là một bài thuốc rất công hiệu”.
Cám ơn bà Maintenon với lòng nhân ái đầy nữ tính đã giúp cho kẻ đang khát có một cốc nước mát, giúp cho người đang chịu nắng có một bóng mát tình người.
Để khép lại bài viết, nên nhắc đến một danh ngôn cổ học Đông phương: “Hà hiệp thủy cốc, nhân cấp kế sinh” (tạm dịch: Sông hẹp nước mới chảy xiết, người gặp lúc khó khăn mới có mưu lược).