Hương nhãn quê tôi

PHẠM KIM THANH 21/07/2023 09:16

Cữ này, nhãn lồng quê tôi đang trĩu quả trong vườn. Đi dưới bóng nhãn mát rượi, thơm hương dịu ngọt, nhớ thương anh tôi khôn xiết.

Dưới gốc nhãn lồng.

Mẹ tôi kể: Ngày làng bị giặc càn quét, cả nhà chạy sang làng Gòi thì bác dâu Cả sinh anh. Làng Gòi trù phú nằm trên bãi Tự Nhiên nổi tiếng với câu chuyện tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử, là nơi đưa người con gái lam làm, lành hiền, vẫn để răng hạt na đen nhưng nhức sang sông, thành thân với một xã đội trưởng tài giỏi của cả vùng, chính là bác Cả tôi.

Thời ấy, ông bà tôi nuôi giấu cả tiểu đội bộ đội chính quy về đây tập trận để đánh trận sân bay Gia Lâm, triệt đường hàng không của quân đội Pháp từ Hà Nội lên mặt trận Điện Biên Phủ. Hầm bí mật trong lòng bếp, lòng nhà, hầm chui dưới hàm ếch ven bờ ao, trên trồng bụi tre đằng ngà. Đến thời “hợp tác hóa”, hầm vẫn còn tốt, bác tôi dùng làm cốt bể chứa nước mưa. Anh tôi khi ấy đã là chàng trai, mang nét thanh tú của mẹ với đôi mắt sâu, dáng cao dong dỏng. Cậu tôi, con út của ông bà, thư sinh, trắng trẻo, gần tuổi anh nên cậu, cháu đi đâu cũng có đôi.

Ngõ nhỏ có cây nhãn lồng và cây táo xoan trùm bóng mát, ngày ngày vẫn là nơi anh em tôi chụm đầu chơi rải ranh, đánh đáo, ô ăn quan, tết con trâu bằng lá nhãn. Một ngày xuân năm 1967, cây cũng là người bạn thân thiết, rì rào, rì rào vẫy lá, đưa hương nhãn đang độ nở rộ những chùm hoa trắng ngà, tiễn hai người lính trẻ.

Rồi một ngày, cậu và anh tôi cùng trúng tuyển bộ đội. Tôi ngơ ngác nhìn căn nhà ba gian trống hẳn, chỉ còn hai ông cháu lụi cụi với vườn cây, đàn gà Đông Tảo, lợn ỉn Móng Cái. Thú vui tuyệt diệu nhất là rải thóc cho “đàn gà chống Mỹ” lùn tịt, chân to như cái dùi gõ trống, mào đỏ lơ, thi nhau mổ thóc, chí chóe mổ lưng nhau. Chiều chiều, tôi quét sân bằng cái chổi nan tre cao hơn đầu mình, rồi ra đầu nhà - nơi ông tôi đặt cối đá xanh to đại để học giã cây chuối, nấu cám cho lợn. Thế hệ tôi trong chiến tranh đã lớn trước tuổi như thế.

Tháng tháng, cả nhà chờ thư của cậu và anh. Thế rồi hai người con trai của gia đình từ nơi đóng quân ở Hà Bắc về phép để cùng vào chiến trường miền Nam. Cả hai đều chững chạc và đẹp hẳn lên trong bộ quân phục xanh lá cây, mũ có ngôi sao vàng lấp lánh, khiến lũ chúng tôi đứng ngẩn ra ngắm. Mê quá! Oai quá! Hình ảnh chú bộ đội mà các bạn thiếu nhi hay hát trên đài phát thanh ở ngay trước mắt tôi, đâu còn xa xôi trong trí tưởng tượng. Cậu tôi cưng tôi nhất nhà, nhìn bộ dạng tôi, tủm tỉm cười: “Ở nhà ngoan, học giỏi, nhớ chép bài hát vào sổ tay cho cậu, nấu cơm dẻo cho ông rồi cậu sẽ về”.

Hồi đó, dân mình nói đi B ngắn, B dài, nhẹ như lá. Nhưng trẻ thơ khi nhìn nét mặt mọi người cũng cảm nhận được không biết bao giờ hai người con trai trở về. Bác dâu Cả khóc không thành tiếng, nước mắt giàn giụa, tiễn anh tôi ra ngõ. Ngõ nhỏ có cây nhãn lồng và cây táo xoan trùm bóng mát, ngày ngày vẫn là nơi anh em tôi chụm đầu chơi rải ranh, đánh đáo, ô ăn quan, tết con trâu bằng lá nhãn. Một ngày xuân năm 1967, cây cũng là người bạn thân thiết, rì rào, rì rào vẫy lá, đưa hương nhãn đang độ nở rộ những chùm hoa trắng ngà, tiễn hai người lính trẻ.

Những ngày sau đó, hình ảnh ông tôi lặng lẽ thắp hương trong đêm khuya vắng lặng, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng đài sột soạt ngạt mũi đang phát mục “Hướng theo ngọn cờ cứu nước” in sâu vào tuổi thơ tôi, không bao giờ phai. Nhớ ông là nhớ cậu và anh: Cậu thanh mảnh, môi đỏ như son, yêu ca hát đến mức cứ thấy cậu đi làm đồng về, buông cào lúa xuống là thấy giọng hát của cậu. Anh rắn rỏi hơn, mũi dọc dừa, nụ cười sáng rạng rỡ khuôn mặt lành hiền.

Những trai làng quê của Bà Tây Sa Công chúa, dân gian thường gọi là Bà Thánh Hữu, vợ thứ của Chử Đồng Tử đã lên đường phơi phới như thế trong khí thế của “Thanh niên ba sẵn sàng”, trái tim đi theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuốn sổ của cậu dành chép những bài ca chống Mỹ trong giờ học hát của Đài Tiếng nói Việt Nam để lại, tôi vẫn chăm chỉ chép tiếp.

Bên nhà bác, chị tôi mới 13 tuổi đã lớn bổng lên, thay anh làm việc nhà nông: Làm cỏ ngoài ruộng lúa, ruộng đay, chặt đay, giặt đay, xay thóc, giã gạo, vỗ béo đôi lợn ỉn lớn như thổi để gia đình giao nộp cho phòng thương nghiệp huyện… Việc trong nhà, ngoài đồng, tôi với chị như hình với bóng, nhìn tay chị mà học làm. Ông thương tôi, tối tối, ngồi hiên nhà hóng ngọn gió nam, tay ông vẫn quạt chiếc quạt tre, do chính tay ông đan, nan tre đẹp và đều tăm tắp.

Tháng ngày vô tư, hạnh phúc ấy đã không còn khi tin dữ từ chiến trường gửi về xóm nhỏ. Cậu tôi đã hy sinh ở mặt trận Quảng Trị đầu hè 1968. Lễ truy điệu các liệt sĩ do Ủy ban nhân dân xã tổ chức buổi tối ở lớp học mái gianh của chúng tôi, vì ban ngày, máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời, thả nhiễu bạc xuống cánh đồng. Những khuôn mặt đằm nắng gió đồng đẫm nước mắt trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ”. Trái tim thơ bé của tôi như muốn vỡ ra khi nghe giọng trầm, vang của bác Cả tôi: “Binh ơi, em hy sinh, nhưng em đã chiến đấu xứng đáng với câu nguyện thề: Sống xanh cỏ, chết đỏ ngực".

Gia đình tôi mất cậu thì còn anh, may mắn thoát được lưỡi hái tử thần ở Quảng Trị. Anh tôi từ trại an dưỡng thương binh Nam Hà trở về, người gầy đét, đôi mắt to, sâu trũng xuống. Bác tôi ôm anh, khóc òa: “Sao hơn một năm nay không viết thư về cho u?”. Bàn tay anh đã cụt ngón giữa, mảnh đạn vẫn nằm bên sườn, đau nhức khi trái gió, trở giời thì vẫn ơn trời Phật độ cho anh đã về với làng, với mẹ.

Đám cưới của anh thương binh với cô gái xóm dưới, thật giản dị như bao đôi lứa hạnh phúc trong thời chưa hết giặc dã: Mẹ tôi mang về tút thuốc lá bao bạc Tam Đảo. Đoàn thanh niên làm phông, cắt giấy hình đôi chim hòa bình và khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Cái sân gạch to rộng của ông tôi rộn rã trong tiếng chào của các cụ mời nhau miếng trầu cánh phượng, tiếng hát sôi nổi của các anh chị đoàn viên.

Đã 4 năm, kể từ ngày không biết cậu tôi nằm nơi nào ở Quảng Trị mới thấy nụ cười ánh trên khuôn mặt rạng rỡ của ông. Cây sum suê sinh cành, thêm nhánh. Vợ chồng anh lam làm, hiếu thuận trên dưới, sinh các con đủ cả nếp, tẻ. Gia tộc quần tụ dưới mái nhà xưa, cũng do chính tay ông bà là người đầu tiên khai phá đất đai, dựng nhà, làm vườn từ những năm 30 của thế kỷ XX.

Thoáng chốc đã qua hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày cậu và anh tôi lên đường chiến đấu, gia nhập Trung Đoàn 48, Sư đoàn 320 lẫy lừng uy danh. Thế hệ chúng tôi đội bom đạn đi học, cũng đã qua một hoa giáp tuổi đời, nhưng khi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ như in giọng thống thiết của bác Cả trong buổi truy điệu cậu tôi dưới ánh đèn dầu phòng không leo lét. Người lính ghi sâu trong tim lời nguyện thề thiêng liêng: “Sống xanh cỏ, chết đỏ ngực”, để không phải thẹn với tổ tiên đã bao đời đổ xương máu gìn giữ, xây đắp non sông.

Hài cốt cậu tôi, sau 33 năm gia đình kiên nhẫn tìm kiếm trên các nẻo đường Quảng Trị, phải đến năm 2011 mới tìm thấy ở Nghĩa trang Liệt sĩ Gio Linh. Nghĩa trang nằm trên ngọn đồi cao, thoáng mát, không xa là Dốc Miếu - một trận địa vô cùng ác liệt năm xưa. Các liệt sĩ chưa có tên lặng lẽ nằm đó, nghe gió hát ru…

Ngày đưa cậu về quê, thắp nén hương ở bờ nam cầu Hiền Lương để cậu tạm biệt đồng đội, tôi trào nước mắt. Còn bao nhiêu liệt sĩ chưa được về quê hương? Những câu thơ học dưới ánh đèn của lớp học buổi tối, tránh bom đạn giặc đọng lại trong tâm hồn trẻ thơ tôi bỗng vang lên: “Học đi em/ Học đi mà nhớ mãi/ Quê hương ta một dải/ Từ mũi Cà Mau/ Đến địa đầu Móng Cái”.

Đàn cháu của ông bà, sinh ra sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, lớn lên trên đất nhãn được sông Hồng bồi đắp phù sa ngọt lành, yêu thương đùm bọc nhau qua bao mùa đói kém, thời bao cấp với vô vàn gian khó, cháu nào cũng nên người, lam làm, thảo thơm. Mỗi đận về quê, lũ trẻ như bầy chim non òa ra, reo lên mừng rỡ: “Bà đã về, bà đã về!”, nghe thật mát lòng.

Trên ban thờ, ảnh các cụ và cậu tôi, anh tôi. Hương nhãn, hương cam, hương bưởi từ vườn đưa vào, ngọt thơm như tình nghĩa quê hương. Thắp nén hương thơm tri ân người đã khuất, con cháu thêm thương nhau dưới nếp nhà ông bà dày công vun đắp, để lại tiếng thơm và phúc ấm gia tộc trên vùng đất thiêng.

PHẠM KIM THANH