Làm gì khi 'đường lưỡi bò' phi pháp len lỏi vào các sản phẩm văn hoá?
Nhiều sản phẩm văn hóa cài cắm hình ảnh bản đồ chứa “đường lưỡi bò” phi lý gây ra nhận thức sai lệch về chủ quyền lãnh thổ. Trước tình trạng tái diễn ngày càng tinh vi, phức tạp, các chuyên gia đề xuất tăng nặng mức xử phạt; tăng cường việc kiểm soát và quản lý.
Lồng ghép tinh vi
Trong thời gian gần đây, nhiều ấn phẩm văn hóa chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" (đường chín đoạn) xuất hiện làm dấy lên nhiều lo ngại và tranh cãi từ dư luận.
Mới đây nhất, một phân cảnh trong bộ phim “Hướng gió mà đi” có gài gắm hình ảnh "đường lưỡi bò" khi hành khách đang quan sát bản đồ trên màn hình hiển thị của máy bay khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trước “Hướng gió mà đi”, nhiều bộ phim khác cũng bị phanh phui vì chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp như: “Lấy danh nghĩa người nhà”, “Em là thành trì doanh lũy của anh”, “Nhất sinh thất thế”… Những bộ phim này sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng chiếu phim trực tuyến tại Việt Nam.
Trước đó ít ngày, bộ phim “Barbie” bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp lặp lại nhiều lần. Hội đồng duyệt phim cũng từng nhiều lần tuýt còi bộ phim cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp như “Uncharted” (Thợ săn cổ vật) có Tom Holland thủ vai. “Everest: Người tuyết bé nhỏ” khiến nhà phát hành Việt Nam nhận mức phạt 170 triệu đồng, buộc rút khỏi rạp chiếu sau hơn 1 tuần ra rạp.
Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và kiểm soát
Không chỉ xuất hiện trên các tác phẩm chiếu rạp, các tác phẩm có chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" có mặt trên không ít trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến.
Cùng với sự phát triển chóng mặt của các nền tảng chiếu phim trực tuyến như Netflix, Hulu, Disney+,... việc xử lý hiện tượng "đường lưỡi bò" trên nền tảng trực tuyến đang là một câu hỏi không nhỏ với các nhà chức trách quản lý phim ảnh tại Việt Nam.
Trong Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Liên hiệp các hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam với các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, tình hình vi phạm về chủ quyền quốc gia Việt Nam trên điện ảnh ngày càng tinh vi, đặc biệt là việc xuất hiện "đường lưỡi bò".
Theo ông Vi Kiến Thành, nhiều khi, các vi phạm chỉ mang tính ý tưởng minh họa, ví dụ là hình ảnh người ta có thể hiểu đó là châu Á nhưng được sắp đặt bằng các hình khối, rồi đan cài vào là đường lưỡi bò. Hoặc tỉ lệ xuất hiện rất ngắn trong cả một bộ phim dài 90 phút nhưng chỉ là 1 vài giây. Vì thế, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ để lọt rất nhiều bộ phim vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Cũng theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ VHTTDL để kịp thời xử lý những vi phạm này.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, việc lan truyền rộng rãi sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chứa bản đồ hình "đường lưỡi bò" phi pháp vào Việt Nam có thể gây ra những hậu quả tiêu cực về uy tín chính trị của quốc gia, các tổ chức đứng sau sản phẩm này, thể hiện sự thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tinh thần yêu nước và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn: "Để có sự kiểm soát tốt hơn về sản phẩm văn hóa chứa bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất là việc triển khai thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh (sửa đổi), ở đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi các quy định pháp luật liên quan đến nội dung văn hóa và truyền thông, đặc biệt là hậu kiểm với phim chiếu trên không gian mạng.
Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước, như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan văn hóa và truyền thông ở các địa phương, cần nắm vững vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý và kiểm soát nội dung văn hóa có liên quan đến chính trị nói chung và chủ quyền quốc gia nói riêng. Cần tập trung và tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác này một cách hiệu quả.
Thứ ba, là tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và kiểm soát. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần cùng nhau làm việc để tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả. Thông qua việc chia sẻ thông tin, tăng cường sự tương tác và hợp tác, các cơ quan có thể cùng nhau phát hiện và ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm.
Thứ tư là tạo ra môi trường tác động tích cực từ phía công chúng bằng cách mỗi cá nhân trong xã hội cần nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền văn hóa, lãnh thổ của đất nước từ sớm, từ xa. Cần tăng cường việc tạo ra một môi trường tác động tích cực từ cộng đồng.
Thứ năm là tăng cường nhận thức và giáo dục cho công chúng: Để ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm, cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng về tác động của những sản phẩm văn hóa. Một công chúng có nhận thức cao sẽ đưa ra những quyết định thông minh và có ý thức khi tiếp xúc với sản phẩm văn hóa không phù hợp".
Phim "Hướng gió mà đi" đã bị gỡ khỏi nền tảng trực tuyến Netflix
Sau văn bản yêu cầu của Cục Điện ảnh, bộ phim "Hướng gió mà đi" đã chính thức bị gỡ khỏi nền tảng trực tuyến Netflix do có hình ảnh "đường lưỡi bò".
Chiều 10/7, Netflix và FPT Play (bản web và bản di động) chính thức gỡ bỏ phim "Flight to you" (Hướng gió mà đi) do chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp.
Trước đó, vào chiều 9/7, Cục ban hành công văn gửi Công ty Netflix và Công ty cổ phần Viễn thông FPT với nội dung yêu cầu gỡ bỏ phim "Hướng gió mà đi" (39 tập). Công văn nêu rõ, sau quá trình tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ 39 tập phim "Hướng gió mà đi", Cục đưa ra kết quả: Hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trên bản đồ trong nhiều cảnh phim (các tập 18, 19, 21, 24 đến 27, tập 38).
Công văn cũng khẳng định: "Việc thể hiện hình ảnh đường lưỡi bò và những nội dung trong lời thoại, phụ đề như đã nêu trên trong phim là không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam và vi phạm quy định của Luật Điện ảnh".
Đây được xem là một trong những động thái quyết liệt từ phía Cục Điện ảnh trong việc xử lý những bộ phim vi phạm nghiêm trọng pháp luật cũng như gây tổn hại đến an ninh văn hóa quốc gia.