Lối riêng Ca Lê Thắng

VIỆT QUỲNH 19/07/2023 09:16

Họa sĩ Ca Lê Thắng - một trong những họa sĩ tiêu biểu của TPHCM sau đổi mới. Mới đây, triển lãm “Mùa nước nổi II” (được trưng bày tại TPHCM) tiếp tục gây ngạc nhiên với công chúng và giới chuyên môn bởi ông luôn nỗ lực tìm tòi lối biểu đạt riêng.

Họa sĩ Ca Lê Thắng. Ảnh: Việt Quỳnh.

Họa sĩ Ca Lê Thắng là dân gốc Bến Tre, sinh năm 1949, trong gia đình có bố là Giáo sư Ca Văn Thỉnh - nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học sử. Cùng những người anh em nổi tiếng: Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhà thơ Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến), nữ đạo diễn Ca Lê Hồng có nhiều đóng góp cho văn hóa Việt Nam.

Sau năm 1954, ông theo gia đình ra Bắc tập kết. Năm 1955, ông học tại Trại Nhi đồng miền Nam, sau đó học lớp 1 tại Trường Học sinh Miền Nam (Trương Mỹ, Hà Đông). Gần nơi ông ở, có chùa Trăm Gian, chùa Thầy. Gắn bó với miền Bắc từ thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành, đến nay, dù đã gần 50 năm sống và làm việc tại TPHCM, họa sĩ Ca Lê Thắng vẫn giữ giọng Hà Nội rất chuẩn.

Thuở nhỏ, bố mẹ thường xuyên đi công tác vắng nhà, Ca Lê Thắng lấy giấy bút hí hoáy vẽ như thú tiêu khiển. Khi họa sĩ Diệp Minh Châu đến chơi nhà, nhìn cậu bé Thắng vẽ, nói với bố cậu: “Cậu này có năng khiếu, anh cho học vẽ đi”.

“Học sinh miền Nam ngày đó thường được ưu tiên”, họa sĩ Ca Lê Thắng nhớ lại. Ông kể: “Bố mẹ tôi đi công tác ở Campuchia, tôi ở nhà ôn và thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 1960, trường mở hệ Sơ trung 7 năm, đối tượng tuyển sinh là các học sinh bắt đầu học cấp II). Khi nghe thông báo tôi đã đỗ vào trường mỹ thuật, bố mẹ mừng lắm, còn hỏi thêm họa sĩ Diệp Minh Châu, “Trong trường có ký túc xá không?”. Ông bảo có, vậy là tôi vào sống trong ký túc xá. Bố mẹ thường xuyên đi công tác, nên tôi cũng quen ở tập thể từ bé đến lớn, tự lo cho bản thân. Thực ra khi mới vào học, năm đầu cho đến hết năm thứ hai rồi năm thứ ba, tôi vẫn chưa thích vẽ. Thầy cô giáo cho bài tập thì cứ vẽ thôi. Đến năm thứ năm, tôi mới mê vẽ. Tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật thì thành ra mê thật, bắt đầu tìm hiểu mỹ thuật. Càng tìm hiểu lại càng mê. Được các thầy cô trong trường chỉ dạy, rồi tự học thêm với các thầy ở ngoài”.

Khi còn nhỏ, rất hồn nhiên, cậu bé Ca Lê Thắng tìm gặp các họa sĩ: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân... xem tranh và học hỏi các bác. Đến khi học hết 7 năm trung cấp, lên đại học, ông đã nắm vững kỹ năng mỹ thuật cơ bản từ hình, màu đến bố cục... Ở Hà Nội khi đó không có tài liệu mỹ thuật của nước ngoài. Họa sĩ Trần Văn Cẩn đi Pháp, mang về cuốn mỹ thuật về danh họa Picasso, lâu lâu lại lén cho Ca Lê Thắng xem một ít.

May mắn hơn nữa, bố của ông - Giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902 -1987) - người đặt nền móng nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, sau khi giữ các chức vụ quan trọng, ông được trở về làm đúng công việc yêu thích là Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội Trung ương. Cũng nhờ thế, Ca Lê Thắng được lên thư viện đọc sách. Có thẻ thư viện, Ca Lê Thắng được đọc những gì cần, từ các danh họa nước ngoài, và tìm hiểu các lối vẽ vốn chưa được dạy ở trong trường mỹ thuật: “Tôi tự tìm tòi và vẽ theo lối hiện đại. Đó chính là những bước đầu để có những bức tranh như hiện tại. Ở trường thời đó, nếu bóp hình thì có khi bị phê bình, mang tranh triển lãm có khi bị loại (Cười)”.

Một tác phẩm trong trong triển lãm “Mùa nước nổi II”.

Sau khi tốt nghiệp Hệ Sơ Trung, Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam (từ 1963 đến 1970), hoạ sĩ Ca Lê Thắng được giữ lại trường giảng dạy. Ông nói, theo cách đơn giản, thì giống như là đàn anh bảo lại cho đàn em, gần gũi hơn là quan hệ giữa thầy và trò. Điêu khắc gia Đào Châu Hải cũng là học trò của ông. Cũng tại trường, họa sĩ Ca Lê Thắng tiếp tục theo học hệ Đại học từ năm 1972 đến 1976. Sau khi ra trường, họa sĩ Ca Lê Thắng trở về TPHCM, trở thành giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Đồng thời, ông đảm nhiệm vị trí là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật TPHCM.

Đây cũng là thời kỳ đất nước bước vào công cuộc đổi mới, văn học nghệ thuật có những tự do về biểu đạt, họa sĩ Ca Lê Thắng cùng họa sĩ Nguyễn Quân bày triển lãm tranh khỏa thân đầu tiên tại thành phố. Các họa sĩ thời kỳ đó đều nỗ lực cùng nhau tạo bầu không khí mới cho sáng tạo mỹ thuật, họa sĩ Ca Lê Thắng cùng họa sĩ Nguyễn Quân, Đào Minh Tri, Nguyễn Thanh Bình, Hứa Thanh Bình cùng các họa sĩ trẻ hơn như Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Tấn Cương... thành lập nên “Nhóm 10 người”. “Anh em không có tuyên ngôn, chỉ đơn giản là hợp với nhau trong không khí đổi mới”, họa sĩ Ca Lê Thắng nhớ lại.

Bộ tranh “Mùa nước nổi” và “Mùa nước nổi II” được vẽ bắt đầu từ ký ức tuổi thơ, khi Ca Lê Thắng sống trong chiến khu Đồng Tháp Mười: “Lúc 5, 6 tuổi, tôi ngủ dậy, thấy nước mấp mé đầu thành giường, mới hay, đó là mùa nước nổi. Đi lõm bõm dưới nước, mùi cỏ dại, lau... thành sự ám ảnh in trong tiềm thức. Ra Hà Nội, được đọc tác phẩm “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, càng gợi cho tôi tò mò và kỷ niệm đã trải qua của mùa nước nổi”.

Sau giải phóng, quay trở về Nam, đi vẽ thực tế, họa sĩ Ca Lê Thắng quay trở về Đồng Tháp Mười. Khi ấy, ông bắt đầu ký họa và theo đuổi đề tài về mùa nước nổi. Những bức tranh đầu tiên đến giờ cũng đã hơn 20 năm. Mới đầu, các bức tranh chưa có tên chung là “Mùa nước nổi”: “Khi còn đi học, tôi đã mê họa sĩ Mark Rothko (sinh năm 1903 tại Latvia) với những bức tranh khổ lớn, ông sử dụng màu sắc đơn giản với bức tranh hình chữ nhật to mà thu hút người xem. Tôi thấy những bức tranh về mùa nước nổi rất phù hợp với khổ tranh dài, giống như màn ảnh rộng đó. Từ tinh thần đó, tôi tạo ra bố cục rộng rãi với trời, đất, mây, nước... Mùa nước nổi gắn bó với đời sống người Nam Bộ”.

Từng vẽ nhiều phong cảnh miền Bắc với núi đồi, sông suối, nhà sàn, họa sĩ Ca Lê Thắng nhận thấy phong cảnh miền Bắc rất dễ tạo hình, dễ gợi, nhưng cảnh vật trong Nam thì lại bằng phẳng, nên muốn tạo ra sự phong phú, trên một cái nền đơn giản không dễ dàng. Tính cách người Nam Bộ cũng phẳng lặng, bao la, không gai góc, gồ ghề. Nhìn sâu hơn, mùa nước nổi có cái khắc nghiệt riêng nhưng lại là sự quen thuộc của người Nam Bộ.

Nếu Nam Bộ không có nước về, không có tôm cá... thì đời sống người dân mới thực sự khó khăn: “Đồng bằng sông Cửu Long khó vẽ, tả thực nhiều khi lại không ra được cái chất. Tôi thấy, chỉ có thể loại trừu tượng - biểu hiện, tôi tạm gọi thế, mới thể hiện được hết ý tưởng, cảm nhận của mình. Mùa nước nổi cũng cần vẽ như vậy. Khi vẽ, tôi không bất ngờ gì về những gì mình vẽ. Tôi là “thân cư thê”, sống dựa vào vợ, được vợ nuôi, nên tôi cứ thế vẽ mà không nghĩ gì đến chuyện bán tranh. Khi vợ tôi mất, tôi rất buồn rồi ốm nặng. Có nhiều họa sĩ, khi đã vẽ được một lối, mà bán được tranh, thì họ không dám vẽ sang kiểu khác, cứ lặp đi lặp lại, tự mình bắt chước, sao chép lại chính mình. Tôi rất sợ kiểu vẽ đó. Nên khi vẽ tranh cho “Mùa nước nổi II”, tôi nghĩ phải vẽ gì đó khác”.

VIỆT QUỲNH