TP HCM: Chưa phát huy lợi thế giao thông và du lịch đường sông
Trong phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ mười Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM khóa X, nhiều đại biểu quan tâm đến phát triển giao thông đường sông, du lịch đường sông trên địa bàn TP HCM.
Đại biểu Lê Minh Đức (Quận 4) đặt vấn đề, thành phố nhiều sông nhưng trống đò. Thành phố có giải pháp gì trong thời gian tới.
Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, để phát huy hết tiềm năng trên bến dưới thuyền, thành phố không chỉ cần dòng sông sạch đẹp, an toàn mà không gian 2 bên bờ cũng phải tập trung chỉnh trang.
Thành phố xác định, phát triển giao thông đường thủy là một trong những mục tiêu hàng đầu. Trong thực tế, giao thông thủy đóng vai trò lớn với việc chia sẻ hơn 20% lượng hành khách cho giao thông đường bộ.
Vận tải hành khách đường thủy trên địa bàn phục vụ khoảng 60 triệu hành khách mỗi năm, thành phố cũng có các tuyến giao thông thủy đi Vũng Tàu, Bình Dương, các tuyến ngắn và một số tuyến du lịch ven sông.
Sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch đã họp bàn giải pháp phát triển giao thông thủy. Kế hoạch từ nay đến năm 2025, ít nhất 5 tuyến giao thông thủy sẽ được hình thành về Bình Dương, Cần Giờ, khu Bến Đình - Bến Dược (huyện Củ Chi). Đồng thời, dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn cần có thêm khu neo đậu, các bến thuyền.
Liên quan đến phát triển du lịch đường sông, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng: “Mỗi năm, có 300.000 lượt sử dụng phương tiện đường thủy, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Nếu phát triển được giao thông đường thủy thì phát triển du lịch đường thủy cũng sẽ thuận lợi hơn. Do đó, thời gian tới cần có sự tập trung phát triển giao thông đường thủy”.
Lãnh đạo Sở Du lịch thành phố thông tin thêm, hiện ngành du lịch và các ngành khác quan tâm tháo gỡ khó khăn để có cơ chế sử dụng quỹ đất ven kênh; quy chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến đón trả khách, bến neo đậu. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong phát triển du lịch đường thủy là tạo thói quen giao thông thủy.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, hiện ngành du lịch đang xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ giới thiệu các tuyến du lịch đường thủy; chú trọng kết nối phát triển du lịch đường thủy gắn liền với các điểm di tích, văn hóa lịch sử.