TP HCM: 85% cơ sở thẩm mỹ không do ngành y tế cấp phép
Chiều 11/7, tại kỳ họp HĐND TP HCM, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, rất nhiều cơ sở thẩm mỹ hành nghề không cần ngành y tế thẩm định và cấp phép.
Theo ông Tăng Chí Thượng, trên địa bàn thành phố có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Thế nhưng chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở).
Hơn 85% cơ sở thẩm mỹ còn lại là do UBND quận huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận (chỉ cần xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - hộ kinh doanh hoặc công ty). Theo quy định, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM xác định có 3 thách thức chính đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thẩm mỹ.
Thứ nhất, quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động trên các báo đài và quảng cáo trái phép trên mạng xã hội, dễ gây cho người dân hiểu nhầm và sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ chưa được thẩm định đủ điều kiện về đảm bảo an toàn trong y khoa.
Thứ hai, hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức, trong đó hơn 85% là do UBND quận – huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong khi số lượng cơ sở có xu hướng ngày càng tăng.
Thứ ba, hoạt động thẩm mỹ “chui” ngày càng tinh vi để né tránh các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Thượng lấy ví dụ cụ thể như trường hợp vừa xảy ra mới đây. Vào ngày 27/6/2023, Sở Y tế nhận được báo cáo nhanh từ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh về một trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ trái phép.
Bệnh nhân là một phụ nữ, sinh năm 1996, cư trú tại Cà Mau. Sau khi tiêm dung dịch nâng ngực, người bệnh rơi vào tình trạng tím tái, mạch, huyết áp bằng không và tử vong sau đó. Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Quận 10 thụ lý điều tra.
Thông tin ban đầu cho biết nạn nhân thực hiện thẩm mỹ nâng ngực tại một khách sạn trên địa bàn quận 10 (khách sạn DONA địa chỉ 783 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10) do một nhân viên cơ sở thẩm mỹ tại tỉnh Cà Mau lên TPHCM thực hiện trong khách sạn.
“Thẩm mỹ chui” trên địa bàn Thành phố không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng thách thức với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Điều đáng lo ngại khi hoạt động thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ,…” ông Thượng nói.
Bàn về giải pháp, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho rằng, đối với các cơ sở do UBND quận – huyện và thành phố Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cần phải tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm các cơ sở chăm sóc sắc đẹp do chính địa phương cấp phép, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở hành nghề ngoài phạm vi cho phép.
Đối với hoạt động “thẩm mỹ chui”, đã đến lúc cần phải có thêm những giải pháp quyết liệt hơn với sự phối hợp chặc chẽ hơn và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước.