Bao giờ hết cảnh xếp hàng xuyên đêm tìm chỗ học cho con?

NGUYỄN HOÀI (thực hiện) 12/07/2023 09:07

Hình ảnh phụ huynh chầu chực tại cổng trường, vạ vật xếp hàng xuyên đêm để nhập học cho con vào lớp 10 tại một số trường ở Hà Nội những ngày qua cho thấy nhiều bất cập trong vấn đề mạng lưới trường lớp của Thủ đô. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán, Hà Nội

Ông Trần Mạnh Tùng.

PV: Trong 4 năm trở lại đây, năm nay số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ 55,7%. Ông đánh giá thế nào về tỷ lệ này, thưa ông?

Ông Trần Mạnh Tùng: Ở hầu hết các địa phương, kỳ thi tuyển sinh vào 10 đều rất vất vả và căng thẳng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Mặc dù số trường công lập và ngoài công lập ở hai thành phố này nhiều nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh (HS). Nguyên nhân là do cung không đủ cầu. Trong đó, nhiều trường ngoài công lập, học phí cao, phụ huynh không đáp ứng được hoặc có trường công có thể đáp ứng được nhưng HS không đủ quy định về hộ khẩu hay điểm đầu vào.

Kỳ thi này vốn được cho là sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn cả thi đại học. Việc này sẽ tiếp tục kéo dài nếu chúng ta chưa xây dựng được đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh.

Chứng kiến cảnh phụ huynh chầu chực tại cổng trường, vạ vật thức trắng đêm để nhập học cho con vào lớp 10, ông có cho rằng, việc làm này có đi ngược với tốc độ chuyển đổi số trong giáo dục?

- Chắc chắn rồi, chuyển đổi số là xu hướng của toàn xã hội mà ngành giáo dục cần đi tiên phong. Trong khi những hoạt động khác họ đang làm tốt việc chuyển đổi số thì trong tuyển sinh lại không sử dụng. Tôi không đồng tình với cách làm này, ở đây lỗi chủ yếu là do khâu tổ chức của nhà trường mà đôi khi họ biết những cách làm hiệu quả hơn nhưng không làm.

Như vậy, nhà trường không đặt phụ huynh HS là khách hàng, là trung tâm. Trong khi đây là đích hướng tới của các trường. Trong những năm tới, các trường không nên để hiện tượng này xảy ra. Cũng không loại trừ khả năng, việc phụ huynh thức đêm xếp hàng nhập học tạo ra hình ảnh quảng bá, PR cho nhà trường. Nếu như vậy, tôi cho rằng, các trường không nên tạo dựng thương hiệu bằng cách này mà thay vào đó cần khẳng định bằng chất lượng giáo dục, bằng giá trị HS, phụ huynh nhận được.

Trước mắt, một số giải pháp khắc phục về mặt kỹ thuật mà các trường có thể thực hiện được như: công bố đầy đủ, rõ ràng thông tin tuyển sinh trên trang web của trường, ở cổng trường... có lọc ở vòng nộp hồ sơ; nhắn tin mời phụ huynh có con đủ điều kiện nhập học tới trường làm thủ tục theo khung giờ, theo ca. Nhà trường lập danh sách, phát phiếu chứ không để phụ huynh tự lập danh sách.

Nếu HS không đỗ vào trường công lập thì có nhiều con đường để các em lựa chọn. Tuy nhiên, có thể thấy, năm nay nhiều phụ huynh khá vất vả tìm chỗ học cho con. Trách nhiệm ở đây có thuộc về cơ quan quản lý, thưa ông?

- Bàn về trách nhiệm, trong tất cả vẫn có một phần trách nhiệm từ phía phụ huynh. Bởi có thể họ thiếu thông tin của trường hoặc chạy theo tâm lý đám đông. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, trách nhiệm chính vẫn thuộc về cách làm của các nhà trường. Tiếp theo là trách nhiệm của cơ quan quản lý, ở đây là Sở GDĐT Hà Nội. Sở cần làm việc với các trường từ sớm, chủ trì, yêu cầu lên phương án tuyển sinh thì câu chuyện phụ huynh phải thức trắng đêm xếp hàng đã không xảy ra. Ngoài ra, Sở GDĐT có thêm trách nhiệm: phân luồng, phân bổ chỉ tiêu, tham mưu để thành phố xây thêm trường, tạo điều kiện về mặt chính sách cho các trường ngoài công lập...

Qua việc này ông có cho rằng cần sớm xây dựng một cơ chế rõ ràng hơn, chấm dứt việc xét tuyển trực tiếp gây khó khăn cho người dân?

- Ở bậc đại học có Luật Giáo dục đại học, các trường được phép tự chủ trong tuyển sinh. Còn ở bậc phổ thông, phòng GDĐT, Sở GDĐT vẫn là các đơn vị quản lý trực tiếp. Vì vậy, rất khó có thể đưa ra một quy định cứng nhắc mà chỉ có thể đưa ra các yêu cầu quản lý trực tiếp mà ở đây là phòng GDĐT hoặc Sở GDĐT thẩm định phương án tuyển sinh của các trường trước đó 1-2 tháng, cho họ tự chủ ở mức độ nào đấy vì trường ngoài công lập có các phương thức tuyển sinh rất khác nhau. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng này là bài toán không của riêng ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc của nhiều ban, ngành, chính quyền địa phương. Tất cả cùng mục đích quy hoạch lại mạng lưới trường học, xây thêm trường để đủ chỗ cho HS theo học, vì đó là quyền lợi của HS và cũng là trách nhiệm của ngành giáo dục, của địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kỳ thi vào lớp 10 vốn được nhiều người cho là sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn cả thi đại học. Việc này sẽ tiếp tục kéo dài nếu chúng ta chưa xây dựng được đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh.

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)