Thúc đẩy đầu tư đối tác công tư

H.Vũ 12/07/2023 07:52

Ngày 11/7, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Dự án Metro tại TP.HCM thu hút vốn theo hình thức PPP. Ảnh: TL.

Vai trò dẫn dắt của đầu tư công

Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP. Tuy nhiên tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 2,9 triệu tỷ đồng. Thực tế đó cho thấy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội. Việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ông An cho biết thêm việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng xã hội theo phương thức đối tác công tư ở nước ta còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới. Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác. Điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm “vốn mồi” để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Từ đó ông An đề nghị làm rõ 5 vấn đề. Thứ nhất, thể chế, chính sách, pháp luật hiện tại đã thực sự xây dựng được môi trường thúc đẩy đầu tư các dự án PPP bền vững tại Việt Nam? Thứ hai, những vướng mắc lớn trong triển khai các dự án PPP tại Việt Nam? Thứ ba, có khả năng mở rộng các lĩnh vực khác để áp dụng PPP không? Thứ tư, cơ chế, chính sách đã phù hợp để phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công? Thứ năm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP?

Trong khi đó, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần hoàn thiện hàng lang pháp lý, nhất là dự án PPP đang gặp khó khăn. Đặc biệt cần tháo gỡ những vướng mắc về thực hiện PPP trong các lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo niềm tin trong thị trường.

Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro

PGS.TS Trần Duy Nghĩa - chuyên gia tư vấn ADB, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất ít khi đầu tư vào hạ tầng mà chỉ tập trung lĩnh vực năng lượng. Bởi đầu tư PPP trong lĩnh vực năng lượng có chính sách rất rõ ràng, không “lùng nhùng” như với các dự án giao thông.

“Thời điểm hiện nay, có thể nói tư nhân ngại đầu tư, ngân hàng ngại xuống tiền. Nếu muốn thúc đẩy PPP cần chia sẻ những rủi ro có thể xuất hiện”- ông Nghĩa nói và cho rằng, Nhà nước phải hiểu doanh nghiệp (DN), rủi ro của DN và cùng chia sẻ rủi ro đó. Khi đó, không phải Nhà nước đầu tư mồi mà Nhà nước sẵn sàng có dòng tiền để đối phó với rủi ro khi đầu tư.

Bà Đỗ Thị Bích Hồng - Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đến hết quý I/2023 dư nợ cho vay đối với các dự án đầu tư BOT, BT khoảng 92 ngàn tỷ đồng. Đây là con số còn khiêm tốn.

Đề cập đến nguyên nhân khiến vốn đổ vào các dự án này còn hạn chế, theo bà Hồng, có yếu tố từ việc các dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Ngân hàng khi cho vay phải tính đến bài toán có lãi và giảm thiểu rủi ro. Năng lực tài chính của các DN tham gia vào các dự án còn hạn chế, vốn góp của họ chỉ chiếm 20%, trong đó phần lớn là vốn vay dòng tiền không ổn định. Khi khó khăn, nhất là thời điểm dịch Covid-19 thì dòng thu phí của các dự án BOT giảm 30-40%”- bà Hồng phân tích từ đó kiến nghị phải có cơ chế rõ ràng chia sẻ rủi ro giữa khu vực tư nhân và Nhà nước.

H.Vũ