Vốn ngoại tiếp tục 'chảy' mạnh vào Việt Nam
Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn đã đầu tư các dự án quy mô lớn đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều ngành hàng. Theo nhận định của các DN FDI, tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Việt Nam vẫn rất lớn.
Nhiều dự án với quy mô vốn lớn
Tập đoàn Foxconn (nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu của Đài Loan - Trung Quốc) vừa được tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án với tổng mức vốn 250 triệu USD. Hãng tin Reuters cho biết, các dự án mới sẽ nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á lên khoảng 3 tỷ USD. Và cơ sở tại Việt Nam là một trong những địa điểm quan trọng trong dấu ấn toàn cầu của Foxconn. Foxconn đang có kế hoạch thành lập thêm một nhà máy mới tại tỉnh Nghệ An với vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu USD.
Không chỉ Foxconn, cuối năm nay, Amkor - “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn, có trụ sở chính tại Arizona (Mỹ), nhưng nhà sáng lập là người Hàn Quốc, sẽ đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Dự án này có vốn đầu tư giai đoạn I là 500 triệu USD.
Có thể thấy, các “ông lớn” trong làng công nghệ cao ngày càng xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Chưa kể, các DN mới cũng đang rất muốn tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ông Francois Mitchell - Tổng giám đốc Tập đoàn John Cockerill (Bỉ) trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính đã bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính Việt Nam hỗ trợ Tập đoàn trong việc kết nối với các DN trong nước để xây dựng Nhà máy sản xuất hydrogen tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Tập đoàn trong việc tìm kiếm địa điểm thuận lợi về vị trí địa lý, cảng biển nước sâu... Tập đoàn John Cockerill cũng đã có cam kết là hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam vào cuối năm nay. Mục tiêu đặt ra là năm 2025, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động.
Số liệu thống kê mới nhất cho biết, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều đáng mừng là, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và đã thực thi nhiều kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Như vậy, bất chấp những khó khăn, thách thức của nền kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục "đổ" vào Việt Nam.
Mới đây nhất trong Diễn đàn DN khu vực Singapore lần thứ 7, diễn ra cuối tuần qua, đã có 12 biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại, các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tăng trưởng xanh, năng lượng mới... giữa các tổ chức, DN Việt Nam và Singapore được trao.
Ông Kok Ping Soon - Giám đốc điều hành Liên đoàn DN Singapore (SBF) cho biết, Singapore và Việt Nam đang nỗ lực mở rộng mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số. “Có rất nhiều điều mà Singapore và Việt Nam có thể bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực này để cùng phát triển, nhằm giải quyết các lợi ích cũng như cam kết quốc tế và khu vực của hai nước” - ông Kok Ping Soon nhấn mạnh.
Những khu vực đón được nhiều “đại bàng”
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như: Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai…
Tại buổi họp báo của Ban Quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất TPHCM (Hepza) mới đây, ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Hepza cho biết, có DN công nghệ cao đang xúc tiến đầu tư vào TPHCM với quy mô vốn khoảng 700 triệu USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, thành phố đang xây dựng Đề án thu hút vốn FDI giai đoạn 2023-2025 tầm nhìn 2030 nhằm hướng tới nhà đầu tư chiến lược (rót vốn từ 30.000 tỷ đồng cho dự án thông thường hoặc từ 3.000 tỷ đồng vào dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo). Đề án này kỳ vọng đến năm 2025, thu hút trên 50 dự án công nghệ cao. Đồng thời, mục tiêu là tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư của nhóm nhà đầu tư trọng điểm đạt 70% tổng vốn giai đoạn 2023-2025.
Tại Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã rót vốn vào địa phương này. Trong đó, dự án đầu tư mới lớn nhất thuộc Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) với số tiền hơn 163 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đăng ký. Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) đã tăng vốn đầu tư xây dựng và khánh thành nhà máy trong Khu công nghiệp VSIP 1 (tỉnh Bình Dương) sản xuất các sản phẩm, bán thành phẩm điện tử, cơ điện để xuất khẩu, nâng tổng vốn đầu tư tại Bình Dương lên 15 triệu USD.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định, dù tình hình thế giới có nhiều thách thức và môi trường đầu tư tại Việt Nam đôi lúc có sự thay đổi, nhưng nhìn chung tiềm năng và cơ hội tại Việt Nam vẫn rất lớn.
Nói như ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam, Việt Nam đã có một môi trường đầu tư cởi mở và ổn định. Tuy nhiên ông Preben Elnef cho rằng, tính minh bạch và khả năng dự đoán của môi trường kinh doanh là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, cần tránh những thay đổi đột ngột trong chính sách mà không có thông báo đầy đủ... để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư. Việt Nam đã thiết lập nhiều chính sách thân thiện với người lao động, nhưng điều quan trọng là nhà quản lý cần tiếp tục đầu tư nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động - chuyển từ lao động chi phí thấp sang lực lượng lao động có kỹ năng cao. Bằng cách này, Việt Nam sẽ giữ được khả năng cạnh tranh của mình với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới
Theo GS. TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới với tiêu chí hàng đầu là công nghệ. DN FDI nào có công nghệ cốt lõi, có khả năng tạo ra sự liên kết, lan toả cho các DN trong nước thì sẽ được lựa chọn.
Bên cạnh đó, theo ông Cường, Việt Nam cũng không thể “ngồi chờ” nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, mà cần chủ động hơn trong việc thu hút. Chúng ta cần những nhà đầu tư có khả năng đáp ứng được yêu cầu công nghệ và có thể chuyển giao cho DN trong nước, đây phải là những DN trụ cột nên chúng ta phải chủ động mời gọi, tìm kiếm. Nếu chỉ biết chờ đợi DN FDI tìm đến thì sẽ không tránh khỏi việc “thu hút nhầm”.
Cùng quan điểm, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng – Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các Tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN trong nước. Đối với các DN trong nước cần phải nỗ lực nâng cao năng lực công nghệ, chất lượng lao động, quản lý… Đây là cơ hội để các DN FDI tìm đến đặt hàng và hỗ trợ DN trong nước hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng cơ hội liên kết; tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:
Tận dụng những thế mạnh để thu hút đầu tư
Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có cả ưu đãi thuế đối với một số dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, năng lượng mới, năng lượng tái tạo... Theo đúng lộ trình cam kết, từ ngày 1/1/2024, Việt Nam sẽ thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Việt Nam coi chính sách ưu đãi thuế là một trong những công cụ để thu hút đầu tư bên cạnh các hình thức ưu đãi đầu tư khác. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều thế mạnh khác như: tình hình chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào... đó là những yếu tố quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm.