Người nuôi cá tra chưa hết khó
Giá cá tra giống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang giảm mạnh, có nguy cơ chạm đáy so với giai đoạn khó khăn cách đây 3, 4 năm. Chi phí đầu vào leo thang khiến người nuôi gặp khó, dự báo ngành cá tra tiếp tục đối diện nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Khảo sát các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang giá cá tra giống đang giảm sâu so với đầu năm, có nơi giảm xuống 40% so với trước Tết. Ông Bùi Thanh Chúng, chủ vựa nuôi cá tra giống ở Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết, trước Tết giá ca tra giống tương đối ổn, trên 30.000 đồng/kg loại 30 đến 35 con. Tuy nhiên hiện tại giá giảm còn 18.000 đến 20.000 đồng/kg, giá hiện vẫn đang tiếp tục giảm. Với mức giá này, cơ sở cung cấp cá giống của ông Chúng đang lỗ.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang và Đồng Tháp bày tỏ lo lắng, cứ đà này giá cá tra giống sẽ giảm kỷ lục như cách đây 4 năm (năm 2019). Ngành nông nghiệp các tỉnh cũng nhận định nếu giá cá tra giống tiếp tục giảm cộng với những khó khăn về chi phí nuôi ngày càng tăng, người nuôi sẽ không mặn mà bám trụ, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra có nguy cơ thiếu nguyên liệu để chế biến.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cũng nhận định sản xuất và xuất khẩu cá tra hiện đang đối diện nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng khiến cho DN và hộ nuôi khó khăn về nguồn vốn.
Ghi nhận từ những phản ánh của các cơ sở sản xuất, Vasep cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm triển khai các gói chính sách hỗ trợ kịp thời, cũng như giảm lãi suất cho các DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo Vasep thống kê 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 730 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo 6 tháng cuối năm, sức mua sẽ cải thiện nhưng khó tăng trưởng dương khi mà suy thoái kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mặc dù giá cá tra thịt vẫn giữ ổn định, thậm chí có tăng nhưng ngành cá tra vẫn chưa hết khó.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, hiện người nuôi cá tra vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu cá tra trong quý I tương đối thuận lợi nhưng bước sang quý II, tình hình xuất khẩu gặp khá nhiều rào cản, số đơn hàng xuất khẩu ít nên các DN chế biến giảm công suất hoạt động dẫn đến tình trạng tiêu thụ cá tra chậm, kéo theo giá bán giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Các hộ nuôi cá đang phải đối diện với nhiều khó khăn do giá thành đầu vào tăng cao khiến chi phí sản xuất cũng bị đội lên, nhiều hộ nuôi cá tra không có lãi. Trong khi đó tình hình tiêu thụ cá tra tương đối chậm, do giá bán thấp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các DN không có nhiều đơn hàng, trong khi sản phẩm chế biến tồn kho còn nhiều, thời gian nuôi kéo dài đã làm tăng chi phí sản xuất...
Theo tính toán của người dân nuôi cá tra vùng ĐBSCL, một ao cá tra nuôi 6 tháng tuổi, với diện tích khoảng 10.000m2 mặt nước sẽ tiêu tốn khoảng trên dưới 180 bao thức ăn công nghiệp/ngày, sẽ cho ra năng suất từ 180 đến 280tấn/ha. Trong khi đó, cá tra nguyên liệu (kích cỡ 1,5kg) có giá 28.500-29.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.500-2.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm.
Hiện nay sản phẩm cá tra vẫn đang được duy trì xuất khẩu tại 134 quốc gia, trong đó có các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia… Tuy nhiên, nhiều DN bày tỏ băn khoăn khi nhắc đến con số kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023, theo các DN, mục tiêu này là khá gian nan khi giá cá tra xuất khẩu đang giảm do các đơn hàng chậm, DN phải thu mua cầm chừng…