Cần cụ thể hóa Điều 27 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Việt Thắng 12/07/2023 13:39

Để MTTQ Việt Nam thực hiện được vai trò trong trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử rất cần cụ thể hóa Điều 27 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ đồng tình với báo cáo tổng hợp tổng kết rà soát kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13ĐCTUBTWMTTQVN, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, báo cáo đã tổng hợp đầy đủ các nội dung trong báo cáo của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch 525 ở Mặt trận một số địa phương, đơn vị. Sau đó, tổ chức hội nghị tổng kết tại Mặt trận Trung ương với sự tham gia của các tổ chức thành viên của Mặt trận, tham gia cùng với Mặt trận trong quá trình tổ chức thực hiện trách nhiệm của Mặt trận trong phối hợp cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Những báo cáo, những kiến nghị của Mặt trận trong báo cáo cũng đã được Ban Dân nguyện trình bày rất rõ ràng.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề xuất thêm 3 vấn đề. Theo đó, thứ nhất để cho MTTQ Việt Nam thực hiện được vai trò trong trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử thì rất cần cụ thể hóa Điều 27 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành sửa đổi năm 2015 về trách nhiệm giám sát hoạt động dân cử, và đại biểu dân cử cũng cần được quy định rõ hơn để MTTQ Việt Nam các cấp có thể thực hiện được đầy đủ vai trò, trách nhiệm giám sát hoạt động của đại biểu dân cử.

“Bởi hiện nay theo các nội dung của Nghị quyết liên tịch 525 thì chủ yếu MTTQ Việt Nam các cấp mới thực hiện tốt vai trò tổ chức hội nghị, mời cử tri, và định hướng các nội dung để cử tri quan tâm phát biểu tại các kỳ tiếp xúc của đại biểu Quốc hội với cử tri”-Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh lý giải.

Thứ hai, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tán thành việc cần phải bổ sung những hình thức tiếp xúc cử tri cho phù hợp với tình hình hiện nay. Nhất là sau đại dịch Covid-19 chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động trực tuyến với điều kiện hiện nay khi quy mô tiếp xúc cử tri, yêu cầu số lượng cử tri ngày càng đông nhưng thực tế những địa điểm cho việc tiếp xúc cử tri ở địa bàn dân cư ở các địa phương rất khó. Các cơ sở hội trường để đảm bảo số lượng cử tri được đông đủ để đại diện đông đủ cho cử tri của địa phương thì rất khó khăn.

“Chính vì vậy chúng tôi rất tán thành việc chúng ta nên bổ sung vào sửa đổi, bổ sung một nội dung về hình thức tiếp xúc cử tri qua hình thức trực tuyến”-Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu vấn đề.

Vấn đề thứ ba, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, cần làm rõ việc tiếp xúc cử tri của đại biểu ở cơ quan, đơn vị công tác. Trong Nghị quyết liên tịch 525 cũng quy định những nội dung, cách thức của đại biểu các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp xúc với cử tri. Tuy nhiên chúng ta chưa ghi nhận nhiều về kết quả tiếp xúc của đại biểu ở cơ quan, đơn vị nơi công tác. Chính vì vậy rất mong muốn cần có hướng dẫn.

“Ví dụ như những cuộc mà các đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan, đơn vị có buổi làm việc với cán bộ, công chức, cơ quan trong trong đơn vị thì lồng ghép vào các nhiệm vụ sinh hoạt. Đó là những thông tin hoạt động của Quốc hội về những chính sách, những nghị quyết của Quốc hội mới ban hành thì có được xem là lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và cơ quan, đơn vị hay không?. Cho nên chúng tôi rất mong muốn là có những quy định hướng dẫn cụ thể như vậy để ghi nhận trong báo cáo rõ ràng về hình thức này để khi chúng ta ghi nhận các hoạt động của đại biểu Quốc hội được rõ hơn”-Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho hay.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, khi sửa đổi, bổ sung nghị quyết tới đây phải quán triệt đầy đủ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việt Thắng