Bắt trên 90 đối tượng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur
Đến nay Bộ Công an đã bắt trên 90 đối tượng và ra quyết định truy nã đặc biệt 5 đối tượng liên quan.
Ngày 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6-2023. Tại đây, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình kiến nghị, Chính phủ triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh, truy bắt các đối tượng gây ra vụ việc tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur (Cư Kuin, Đắk Lắk) sáng 11/6 để xử lý nghiêm theo quy định. Sớm có giải pháp ổn định tình hình, tư tưởng trong quần chúng nhân dân, đảm bảo kiểm soát tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung; quan tâm hơn nữa đến đời sống đồng bào các tỉnh Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, có các giải pháp căn cơ, có tính chiến lược nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số để không bị các tổ chức chống phá cách mạng lôi kéo, kích động; kiểm soát các thông tin, luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng.
Về vấn đề trên, báo cáo tại phiên họp, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Đắk Lắk, Bộ Công an đã chủ trì huy động toàn bộ lực lượng vũ trang, hệ thống chính trị, phương tiện, biện pháp truy kích, truy bắt. Đồng thời quyết tâm bắt bằng hết số đối tượng tham gia vào vụ việc và thu hồi triệt để các loại phương tiện, vũ khí, vật liệu nổ được sử dụng để gây án.
Theo ông Hùng, đến nay Bộ Công an đã bắt trên 90 đối tượng và ra quyết định truy nã đặc biệt 5 đối tượng liên quan về các tội: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Không tố giác tội phạm; Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Qua khám nghiệm hiện trường, điều tra, có thể thấy đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có sự chỉ đạo, tiếp tay của các thế lực thù địch ở nước ngoài.
Ông Hùng thông tin, đến nay tình hình chính trị tại huyện cũng như trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên đã ổn định, hoạt động của người dân trở lại bình thường.
Ông Hùng cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, chỉ đạo, rà soát, thúc đẩy 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai. Nhất là tập trung cho vùng Tây Nguyên để xóa đi điều kiện dẫn đến vụ việc tương tự; trong đó tập trung vào xóa đói giảm nghèo bền vững, chương trình chăm lo phát triển đời sống, vật chất, tinh thần cho người đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên; nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mới.
“Tôi thấy rằng nguồn lực 3 chương trình này có nhưng triển khai còn rất chậm, nhiều vấn đề chưa nhận được sự ủng hộ của người dân. Đề nghị Quốc hội có chỉ đạo, rà soát lại văn bản, chủ trương, cơ chế, chính sách để chương trình mục tiêu quốc gia sớm đi vào cuộc sống”-ông Hùng nói.