Ngân hàng nào đang có lãi suất cao nhất trong ngày 12/7?
Ngày 12/7, Ngân hàng Bảo Việt đang áp dụng mức lãi suất cao nhất 7,9% cho kỳ hạn 13 tháng.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước vào sáng ngày 12/7 cho thấy, lãi suất tiền gửi cao nhất đang được áp dụng là 7,9%/năm. Hiện mức lãi suất này do Ngân hàng Bảo Việt niêm yết cho kỳ hạn 13 tháng.
Trong khi đó, lãi suất trên 7,5%/năm ngày càng hiếm khi chỉ còn 14 ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất từ mức này trở lên.
Trong đó, lãi suất cao nhất tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn chủ yếu dao động trong khoảng 7 - 7,3%/năm, như SHB (7,2%), MB (7,1%), Techcombank (7,1%), VPBank (7,1%).
Một số ngân hàng tư nhân đã đưa lãi suất tiền gửi cao nhất xuống dưới 7%/năm như SCB (6,95%), ACB (6,9%), TPBank (6,7%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 6,3%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng cao nhất là CBBank ở mức 7,85%. Xếp ở vị trí thứ 2 là MSB với mức lãi suất là 7,8%/6 tháng. Ở vị trí thứ 3 là GP Bank, nhà băng này niên yết lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 7,55%.
Nhóm các ngân hàng có lãi suất huy động từ 7 - 7,5%/6 tháng gồm: BAOVIET Bank, OCB, PvcomBank, SHB, VietCapitalBank mức 7%; VPBank, Techcombank là 7,1%; mức 7,3% tại các ngân hàng Nam A Bank, OceanBank, NCB, VRB; VietABank là 7,4%; BAC A BANK là 7,45 %; còn ABBank ở mức 7,5%.
Dưới 7% đối với kỳ hạn 6 tháng thuộc về nhóm các ngân thương mại cổ phần nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như: Mức lãi suất 5%/6 tháng được niên yết ở nhóm Big4 là Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank; trong khoảng 6% gồm các ngân hàng: DongA Bank (6,35%), Sacombank (6,6%), Kienlong Bank, TPBank (6,7%), mức 6,8% thuộc các ngân hàng SCB, VIB, SaigonBank.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5-2%), nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.