Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Khi nhận tiền hối lộ thì không nói cho ai biết'
Chiều 13/7, tiếp tục ngày làm việc thứ 3 trong phiên xét xử các bị cáo trong vụ án "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương, đại diện Viện kiểm sát đã tiến hành thẩm vấn cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Đại diện Viện kiểm sát hỏi về mối quan hệ với những người đưa hối lộ, bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, có một vài trường hợp có quen biết trước, còn lại chủ yếu là khi có phát sinh công việc liên quan đến tổ chức các chuyến bay thì các đại diện doanh nghiệp mới liên hệ, nhờ Kiên hỗ trợ, giúp đỡ.
Viện kiểm sát chất vấn: "Giúp đỡ thế nào?"
Kiên khai: "Như nội dung bản cáo trạng đã thể hiện, ở đây bị cáo có 2 lĩnh vực mà bị cáo nhận tiền của các doanh nghiệp. Một là lĩnh vực liên quan đến chuyến bay combo, một lĩnh vực liên quan đến số khách lẻ. Đối với chuyến bay combo, đúng như nội dung cáo trạng, bị cáo chỉ tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng và trình lãnh đạo Bộ ký duyệt. Sau khi lãnh đạo Bộ xét duyệt xong, bị cáo trả hồ sơ để Văn phòng Bộ Y tế phát hành, hoặc chuyển cho Cục Y tế dự phòng sửa chữa".
"Nếu chỉ đơn giản việc nhận từ lãnh đạo Bộ cho tới Cục Y tế dự phòng để đưa cho văn thư phát hành, việc gì doanh nghiệp phải đến với bị cáo?" - đại diện Viện kiểm sát hỏi.
"Có lẽ các doanh nghiệp tin rằng bị cáo giúp được, hỗ trợ được các doanh nghiệp xử lý công việc một cách nhanh hơn nên các doanh nghiệp đến gặp bị cáo" - Phạm Trung Kiên đáp.
Theo lời khai của Kiên, liên quan đến các chuyến bay, Cục Y tế dự phòng là đơn vị được Bộ Y tế giao trực tiếp tham mưu, còn việc doanh nghiệp đến với mình, Kiên khai "bị cáo không rõ".
"Thôi, đấy là việc khai của bị cáo, chứng tỏ bị cáo cũng chưa thực sự thành khẩn và chưa nhận ra cái sai lầm của mình, nên bị cáo suy nghĩ lại về việc đó… Tất cả những người ở đây không có mâu thuẫn gì với bị cáo, thời điểm đó người ta rất muốn thực hiện chuyến bay, có 2 mục đích, thứ nhất là lợi nhuận, thứ hai là đưa công dân càng nhanh càng tốt về nước tránh dịch.
Người Việt Nam mình sang nước ngoài chủ yếu là lao động, chủ yếu là du học sinh thì thu nhập không thể bằng nước sở tại được. Nước sở tại khi dịch bùng ra đương nhiên người ta ưu tiên công dân của người ta, còn công dân của mình thì làm sao có tiền để chi phí theo như mức thu nhập ở nước đó. Đó là lý do tại sao Nhà nước có những chuyến bay như vậy. Bị cáo làm trong Bộ Y tế mà lại có hành động như vậy thì rất đáng lên án, bị cáo phải suy nghĩ lại về hành động của mình, về nhận thức của mình" - đại diện Viện kiểm sát đánh giá.
Về việc đầu tư bất động sản, trả lời chủ tọa phiên tòa, Phạm Trung Kiên nói mua đất ở Ba Vì, Hoài Đức (TP Hà Nội) và một mảnh đất ở Mũi Né (Bình Thuận). Với mảnh đất mua ở Mũi Né, Kiên khai mua chung với một người bạn, còn lại 2 mảnh đất ở Ba Vì và Hoài Đức thì Kiên đứng tên.
Cũng theo lời khai của cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, Kiên đã bán 2 mảnh đất ở Hoài Đức và Ba Vì từ đầu năm 2022 để khắc phục hậu quả. Mảnh đất ở Mũi Né mua chung với bạn nên hiện chưa thể giao dịch được.
Trả lời thẩm vấn của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết, khi nhận tiền hối lộ thì không nói cho ai biết.
Trong số 42,6 tỷ đồng Kiên nhận thì đã trả lại 12 tỷ đồng, cho vay 10 tỷ đồng, 20 tỷ đồng đầu tư đất đai, sửa chữa nhà cửa, 2 tỷ đồng chi tiêu cá nhân.