Số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đều tăng
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) tại buổi họp báo về kinh tế xã hội và dịch bệnh trên địa bàn thành phố, chiều 13/7.
Ông Nguyễn Hồng Tâm khẳng định, hiện sốt xuất huyết và tay chân miệng đều tăng. Cụ thể, mỗi tuần số ca mắc sốt xuất tăng 10%; tay chân miệng mỗi tuần tăng khoảng gần 100 ca mắc mới so với tuần trước.
“So với cùng kỳ năm ngoái số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết đều thấp hơn. Và chưa có ca tử vong. Tuy nhiên điều quan tâm đó là tỷ lệ bệnh nặng trên số ca mắc ở hai bệnh này đều tăng so với năm trước”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.
Ông Tâm dẫn chứng cụ thể, nếu như năm trước 100 ca mắc thì chỉ có 10 ca nặng nhưng năm nay 100 ca mắc mới nhưng có thể có khoảng 20 ca nặng. Tỷ lệ nặng trên mắc tăng nên cần phải lưu ý.
“Nguy cơ bùng phát dịch bệnh nếu như chúng ta lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Việc phòng chống dịch là trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp chính quyền. Tất nhiên ngành y tế là đầu mối hướng dẫn về chuyên môn. Tuy nhiên cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền cũng như chung tay của người dân thì phòng chống dịch mới hiệu quả được”, ông Tâm nói.
Theo vị này, người dân không nên chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang quá. Ngành y tế đã làm hết các biện pháp về phòng bệnh, điều trị. Cụ thể, chuẩn bị sẵn các kịch bản, tổ chuyên gia tư vân điều trị hai bệnh này; hỗ trợ chuyên môn từ xa cho các bệnh các tỉnh lân cận.
Sở Y tế TP HCM thông tin, tổng số ca mắc sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm 2023 là 8.519 ca (giảm 61,5% so cùng kỳ năm 2022), không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 12 trường hợp).
Về bệnh tay chân miệng, tổng số ca mắc trong 6 tháng đầu năm 2023 là 4.500 ca (thấp hơn 47% so với cùng kỳ năm 2022). Tuy số ca mắc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong. Đây cũng chính là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.