Phủ sóng thanh toán phi tiền mặt
Từ những khởi đầu đầy lạ lẫm, thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen với nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn.
Quét QR là xong
Từ việc còn khá e dè, ngại ngần với việc chuyển khoản, quét mã QR code… đến thời điểm này, rất nhiều người từ bà nội trợ, tiểu thương, đến các em sinh viên… ở bất cứ nơi đâu, với một vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh đã khá thành thục trong việc thanh toán phi tiền mặt.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có trên 75% người trưởng thành trên cả nước có tài khoản thanh toán ngân hàng.
Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Số lượng tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 tổ chức tín dụng đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. …
Đánh giá về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Người tiêu dùng có thể thấy tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh, thậm chí cả quán trà đá vỉa hè... đều sử dụng hình thức thanh toán phi tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương - tiểu thương ở chợ Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tạo thuận tiện cho người bán và người mua hàng, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR của các ngân hàng là khách hàng có thể thanh toán, chuyển tiền vào tài khoản người bán. Bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tôi không mất thời gian đổi tiền lẻ để trả tiền thừa cho khách hàng, quản lý tốt số tiền bán hàng trong ngày”.
Còn chị Nguyễn Thị Mùi (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, trước đây khi không có tiền mặt trong người là cảm thấy bất an nhưng nay, không cần mang tiền mặt, chỉ cần sử dụng chiếc điện thoại thông minh là có thể thực hiện các loại giao dịch, từ ăn sáng, đến đi chợ mua các mặt hàng thiết yếu...
Tạo niềm tin cho người dùng
Tuy nhiên, để phương thức thanh toán không tiền mặt phát triển hơn nữa, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần tạo niềm tin cho người dùng. Một số người dân chưa sử dụng thanh toán không tiền mặt do lo ngại mất an toàn, nhiều khu vực chưa được kết nối mạng và tốc độ mạng cũng chưa đáp ứng nhu cầu thanh toán, các hệ thống thanh toán chưa đồng bộ….
Đại tá, TS Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay có bộ dữ liệu dân cư, theo đó đã có mã định danh duy nhất và bộ dữ liệu sinh trắc với gần 81 triệu căn cước công dân mang dữ liệu sinh trắc. Đây được xem là bộ dữ liệu gốc, sẽ dùng trong các lĩnh vực: Bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho các giao dịch của công dân.
Ông Tấn nhấn mạnh: "Trong quá trình triển khai Đề án 06 đã làm "sạch" được 85% dữ liệu cho ngành bảo hiểm, 80% thuê bao di động, 21 triệu trong số 25 triệu dữ liệu cho ngành ngân hàng…Từ đó tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch điện tử, trong đó có thanh toán không tiền mặt".
TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, ngành ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số ở lĩnh vực thanh toán, như: hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử chưa hoàn thiện; Chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới rất lớn; Hệ thống công nghệ giữa các ngân hàng chưa đồng nhất; Một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ…
Trước thực trạng này, VNBA kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng chú trọng hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số. Bên cạnh đó, hoàn thiện dự thảo các Thông tư hướng dẫn khi Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ ban hành; rà soát sửa đổi tạo điều kiện định danh, xác thực điện tử trong ngành ngân hàng...