GDP và an sinh xã hội
Tờ thời báo tài chính Financial Times của Anh vừa đưa ra nhận định: Sau nhiều thập kỷ hứa hẹn, thời khắc của nền kinh tế Việt Nam đã đến. Đây là nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á vào năm ngoái (tăng trưởng 8%) và là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng 2 năm liên tiếp kể từ đại dịch Covid-19.
Theo Financial Times, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào năm 2022. Những tập đoàn tên tuổi lớn, trong đó có Dell, Google, Microsoft và Apple đều đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam. “Ban đầu chỉ là quần áo, giày dép, nhưng giờ đây Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất các thiết bị điện tử cao cấp hơn như AirPod của Apple” - Finacial Times nhận xét, tuy nhiên cũng khuyến cáo Việt Nam cần chú ý đến tính cạnh tranh về tay nghề kỹ thuật. Chất lượng trong trường đào tạo nghề và các trường đại học cần một bước tiến mới.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến nghị Việt Nam chú ý nhiều hơn trong việc áp dụng công nghệ, tăng cường kỹ năng quản lý, giảm thiểu những yếu tố rủi ro.
Nếu như quý 1 năm nay, tăng trưởng GDP nước ta tương đối thấp (3,32%) thì quý 2 đã đạt 4,14%. Trước một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng GDP quý 2 là “hơi lạc quan” so với thực tế, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, mức tăng trưởng biểu hiện qua số liệu phản ánh kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực. Và điều đó cũng là cơ sở để tăng tốc phát triển trong 2 quý còn lại của năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng nhìn nhận, dù còn nhiều khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, làn sóng sa thải người lao động chưa chấm dứt nhưng nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, đó là khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn phát triển. Xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản 6 tháng đầu năm ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%. So với cùng kỳ năm trước, hàng rau quả đạt kim ngạch trên 2,7 tỷ USD, tăng 64,2%; xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%. Vốn đầu tư thực hiện nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế trong 6 tháng tăng 4,7%; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê thì “cỗ xe tứ mã” tăng trưởng kinh tế của đất nước năm nay được ví với “ngựa chính sách”, "ngựa tiêu dùng", "ngựa xuất khẩu"và "ngựa đầu tư". Trong đó đầu tư công vẫn giữ được phong độ và đang phi nước đại để kéo cỗ xe kinh tế Việt Nam đi nhanh hơn. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, để GDP cả năm đạt 6,5% hoặc 6% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8,9% hoặc 8% - đây là 2 mức tăng rất khó đạt được nếu không muốn nói là không thể.
Để đạt tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm thì cùng với việc đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thì cần sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm trong bộ máy công quyền; sớm ban hành và thực thi văn bản bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần dám nghĩ dám làm.
Tại hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023,” ngày 10/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã đưa ra 3 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2023. Kịch bản 1: GDP khả năng ở mức 5,34%. Kịch bản 2: GDP khả năng ở mức 5,72%. Kịch bản 3: GDP khả năng ở mức 6,46%.
Như vậy có thể thấy CIEM rất thận trọng khi đưa ra dự báo.
Nhìn chung lại nhận định của một số định chế tài chính quốc tế so với nhận định của giới chuyên gia kinh tế trong nước, thì dù có độ vênh nhưng đều thống nhất ở điểm 2 quý còn lại của năm nay GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn đầu năm. Tuy rằng, mục tiêu tăng trưởng 6% đến 6,5% của năm nay là khó đạt nếu như các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tiếp tục hạn chế nhu cầu nhập.
Hiện nhiều doanh nghiệp lớn đã quay lại thị trường trong nước, song song với việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Thị trường với 100 triệu dân được đánh giá là “vịnh tránh bão”, là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế nước nhà củng cố nội lực, tìm kiếm cơ hội để bứt phá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Vì vậy, do nhiều khó khăn, GDP năm 2023 có thể không được như kỳ vọng nhưng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp an sinh xã hội, vượt qua lạm phát cũng như cả trong trường hợp xuất hiện suy thoái, như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đang gặp phải.