Công chức, viên chức nghỉ việc ‘nóng’ tại kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh
Đầu năm 2020 đến 30/4/2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh có có 175 công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc theo nguyện vọng cá nhân.
Giải bài toán thừa - thiếu giáo viên
Trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 18 vào sáng 14/7, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Lê Minh Đạo nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ; tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc.
Chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: Tại huyện Vũ Quang hiện nay đang thiếu 11 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên mầm non nhưng lại thừa 12 giáo viên THCS. Theo nguyên tắc như Giám đốc Sở Nội vụ nói là phải điều giáo viên để giải quyết thừa, thiếu cục bộ nhưng nếu điều giáo viên cấp 2 xuống cấp 1 cũng phải có quá trình bồi dưỡng. Vậy có hình thức nào để bồi dưỡng hay đào tạo lại như thế nào để điều giáo viên cấp 2 xuống cấp 1 sao cho phù hợp?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết: Những năm qua, việc thừa, thiếu giáo viên diễn ra cục bộ ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là giáo viên tiểu học. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến công tác dạy và học, nhất là quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Năm học 2023-2024, các cấp học thiếu hơn 400 giáo viên so với biên chế được giao. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt chỉ tiêu giáo cho các huyện, Sở GD&ĐT làm thủ tục tuyển dụng giáo viên để bổ sung”, ông Lê Minh Đạo nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Sở Nội vụ đã đề xuất nhiều giải pháp. Về tuyển dụng giáo viên, trong những năm qua đã tuyển dụng 1.260 giáo viên, riêng 2023 duyệt tuyển 203 giáo viên, trong đó mầm non 10, tiểu học 185, THPT 8 giáo viên.
Biện pháp thứ 2 là biệt phái giáo viên, năm 2023 biệt phái gần 130 giáo viên để cân đối thừa, thiếu.
Đối với giải pháp bồi dưỡng để điều giáo viên từ cấp 2 xuống cấp 1, theo ông Lê Minh Đạo, tỉnh đã có chủ trương, nghị quyết về đào tạo văn bằng 2. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở GD&ĐT tổng hợp, rà soát để tiếp tục đào tạo văn bằng 2 nhằm bổ sung giáo viên ở những đơn vị còn thiếu.
175 công chức, viên chức nghỉ việc
Liên quan đến tình trạng giáo viên nghỉ việc nhiều trong thời gian gần đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Nội vụ: Hiện nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều giáo viên xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe và thu nhập khó khăn. Vậy thực tế vấn đề này thế nào? Giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi, người đứng đầu Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết: Thực trạng công chức, viên chức nghỉ việc đang ngày càng gia tăng và đây là vấn đề lớn đã và đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo.
Qua tổng hợp của Bộ Nội vụ, từ đầu 2020 đến 2022, cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc. Đối với Hà Tĩnh, tình trạng này tuy chưa nhiều nhưng đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Từ đầu 2020 đến 30/4/2023, Hà Tĩnh có 175 công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc theo nguyện vọng cá nhân. Trong đó có 61 giáo viên. Riêng tinh giản biên chế, Hà Tĩnh trên 200 giáo viên xin nghỉ theo diện này.
Nguyên nhân của tình trạng này được Giám đốc Sở Nội vụ lý giải là do công chức, viên chức, giáo viên phải chịu nhiều áp lực, khối lượng công việc nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao, thời gian làm việc nhiều, áp lực lớn.
Một số công chức, viên chức có điều kiện công tác khó khăn, xa gia đình. Chế độ tiền lương, phụ cấp chưa đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình. Trong khi đó khối tư nhân có chế độ đãi ngộ cao hơn, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm được khối tư nhân thu hút khá nhiều.
Hơn nữa, cơ sở vật chất của một số trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp của giáo viên. Trong khi đó trường tư thục có cơ sở vật chất, điều kiện làm việc tốt hơn.
Vì vậy, một số giáo viên chuyển sang việc khác phù hợp với năng lực, sở trường của giáo viên và hoàn cảnh gia đình như chuyển sang doanh nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, một số giáo viên xin nghỉ hưu trước tuổi, ốm đau, năng lực hạn chế...
Giải pháp đối với vấn đề này, theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, thời gian qua UBND tỉnh có các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. “Đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khắc phục tình trạng công chức, viên chức, giáo viên nghỉ việc”, ông Lê Minh Đạo nhấn mạnh.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cũng đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển giáo dục mầm non, phổ thông theo Nghị quyết 92 năm 2022 của HĐND tỉnh.
Thực hiện công khai, minh bạch, khách quan trong việc tuyển dụng, sử dụng, điều động, biệt phái giáo viên và thực hiện các chế độ chính sách đảm bảo quy định.
“Chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá các nguyên nhân đối với các trường hợp cụ thể và có giải pháp quan tâm về đời sống vật chất, tinh thần đối với giáo viên. Nhất là các giáo viên làm việc ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh đề nghị.