Để người tiêu dùng lên tiếng
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm nhiều nội dung, như ghi nhận quyền và cơ chế bảo vệ quyền lợi đối với người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, các quy định này có thành hiện thực hay không, quyền lợi của NTD có còn tiếp tục bị xâm phạm hay không lại là chuyện khác, nếu NTD chưa có được cơ chế giải quyết tranh chấp đỡ mất công, đỡ tốn kém.
Thực tế thì không mấy người khiếu kiện khi bị nhà bán hàng lừa gạt, vì phần lớn là những món hàng giá trị không lớn. Nhưng nhiều cái “không lớn” tích lại sẽ giúp người bán hàng lợi lớn và càng làm cho giao dịch thị trường thiếu văn minh.
Nhiều người mua món hàng vài trăm nghìn đồng sau đó phát hiện sản phẩm không như quảng cáo, giới thiệu. Hay là đặt một món ăn rồi phát hiện sản phẩm không như poster trên trang web hoặc thậm chí là vào nhà hàng gọi đĩa mì rồi nhận ra nó còn không giống như cái hình trong menu... vô số những bực mình mà NTD gặp phải, nhưng biết kiện ai, kiện chỗ nào, biết đến bao giờ mới được giả quyết.
Người viết bài này từng mua một món đồ điện tử hơn 5 triệu đồng, với cam kết từ nhà bán hàng về chính sách “đổi hàng trong 7 ngày”. Nhưng chỉ 2 ngày phát hiện lối, gọi điện đến hỏi thì nơi bán hàng lập tức vặn hỏi, đổ ngay lỗi sang người mua. Một lần khác, cũng một món hàng điện tử, được vài tháng thì hỏng. Gọi diện yêu cầu bảo hành thì cơ sở bảo hành “thu” hàng để sửa chữa mà lơ luôn nghĩa vụ cho khách mượn hàng thay thế để dùng. Sau khi bị hỏng nhiều lần, yêu cầu đổi hàng thì có thể nhận câu trả lời từ người bán hàng là “không”.
Tóm lại, cho dù có bao nhiêu cuộc vận động xây dựng văn minh thương mại đi chăng nữa mà chế tài không đủ mạnh thì việc xây dựng “văn hóa kinh doanh” hay là bảo vệ NTD cũng đều trở nên xa xỉ.
Thực tế gặp bất lợi khi mua hàng cũng rất ít người cậy nhờ Hội Bảo vệ NTD. Vì rằng rất mất thời gian, chi phí nhưng cũng chỉ đổi lấy khoản tiền bồi thường nhỏ. Cho nên rất ít người đi kiện để nhận “cái được” không đáng với những gì đã bỏ ra. Chính cách nghĩ như vậy của NTD đã khiến bên bán hàng hóa, dịch vụ trở nên ù lì, hình thành thói quen bỏ mặc khách hàng. Do đó, để thay đổi tình thế thì cơ chế giải quyết phù hợp trong tranh chấp tiêu dùng phải là mấu chốt cần được điều chỉnh nhất trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) tiếp tục ghi nhận tất cả các phương thức giải quyết tranh chấp đang được quy định, gồm thương lượng, hòa giải, giải quyết bằng trọng tài hay tại tòa án. Tuy nhiên, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay tòa án thường áp dụng đối với các tranh chấp lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến số lượng lớn NTD. Còn thương lượng và hòa giải phù hợp với các tranh chấp nhỏ. Tuy nhiên, như đã nói, trong các tranh chấp nhỏ NTD phải rất nhọc công để nhận được khoản đền bù nhỏ nhoi. Và tất nhiên, bên hòa giải vì thế cũng không mấy hào hứng.
Vì thế, nhiều người cho rằng, cần loại bỏ giới hạn về mức bồi thường tối đa mà NTD dùng bị xâm hại lợi ích nhận được. Bên hòa giải cần được trao quyền để quyết định, trong đó Hội Bảo vệ NTD hoặc tiến hành hòa giải hoặc trở thành một bên khởi kiện thay cho NTD. Cần ấn định mức phí hòa giải khi giải quyết tranh chấp tiêu dùng nhỏ, chứ không phải việc bồi thường từ phía nhà bán hàng chỉ mang tính tượng trưng.
Nếu mức phí hòa giải tối thiểu đối với các tranh chấp tiêu dùng nhỏ quá ít thì biết đâu đơn vị hòa giải không muốn tiếp nhận vụ việc, thậm chí lại ngả sang bên bị kiện thì sự việc còn gay go hơn.
Muốn thế, cần quy định bên bán hàng hóa, dịch vụ phải chi trả một khoản tiền đủ lớn, nếu như NTD thắng kiện. Còn với NTD, nếu như thắng kiện sẽ không phải mất phí cho bên đứng ra hòa giải. Chỉ có như vậy thì NTD mới được bảo vệ thực sự, và mới lên tiếng.