Cảnh giác với viêm gan
Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng hơn 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C; 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan; 22.000 người tử vong vì ung thư gan.
Tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan tăng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 5 loại virus viêm gan (A, B, C, D và E), virus viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Còn theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư từ 8 - 25% đối với virus viêm gan B và khoảng 2,5 - 4,1% với virus viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện... Số trường hợp tử vong do viêm gan B ở nước ta nhiều năm qua là hơn 23.000 người và tử vong do virus viêm gan C là xấp xỉ 7.000 trường hợp. Ngoài tác nhân virus, tỷ lệ viêm gan do bia rượu, thuốc đông tây y, thực phẩm “bẩn”, ô nhiễm môi trường… đang ngày càng tăng mạnh.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc viêm gan virus ở nước ta vào khoảng 10 - 15% dân số. Viêm gan B là nguyên nhân gây ra hơn 80% số ca bệnh về gan như xơ gan, suy gan, ung thư gan... và có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, viêm gan B hay viêm gan C thường không được phát hiện kịp thời và chỉ nhập viện điều trị khi bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm là khá phổ biến.
Viêm gan gần đây đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam với gánh nặng bệnh tật rất lớn. Khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Đáng chú ý, bệnh viêm gan virus thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Nguy cơ lây truyền cao
Theo các chuyên gia y tế, khả năng lây nhiễm viêm gan B cao hơn HIV từ 50 - 100 lần, chủ yếu qua qua đường máu, sinh hoạt tình dục, nguy cơ khi dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo với người bệnh. Phương thức lây nhiễm phổ biến nhất là lây nhiễm trong khi sinh. Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10 - 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, đường lây truyền chính của viêm gan B là từ mẹ sang con. Đáng lo khi chỉ có 9% người bệnh biết mình bị nhiễm, trong số này chỉ 8% được điều trị. Việc điều trị viêm gan B lâu dài, tốn kém, tuy nhiên có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine khỏi các biến chứng xơ gan, ung thư gan với tỉ lệ tới 95%.
Về nguy cơ lây bệnh, TS Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, so với virus viêm gan B thì virus viêm gan C lây truyền chậm hơn và ít biểu hiện hơn, nhưng lại gây ra những hậu quả rất nặng nề. Ba biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm gan C chính là: Suy gan, xơ gan và ung thư gan. Người bệnh hoàn toàn có thể bị tử vong từ 1 trong 3 biến chứng trên.
Nguy hiểm là trong giai đoạn đầu, viêm gan thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất ít trường hợp được phát hiện sớm. Tình trạng viêm kéo dài khiến tế bào gan bị hư hại, hình thành các mô sẹo gây xơ gan, kết hợp với các tác nhân khác sẽ dẫn tới ung thư gan. Các biến chứng của viêm gan thường đến sớm và nhanh nếu bệnh nhân đồng thời có từ 2 yếu tố nguy cơ trở lên như nhiễm siêu vi và lạm dụng rượu bia.
Ở nước ta việc phòng bệnh viêm gan hiện chưa được quan tâm đúng mức. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người bệnh đừng vội mừng khi xét nghiệm thấy men gan hạ vì coi chừng gan đã bị hư hoại nghiêm trọng, không còn tế bào gan khỏe để bị hủy hoại nên không phóng thích men gan vào máu. Hay, xét nghiệm thấy số lượng virus gây viêm gan giảm nhưng không hẳn 100% bệnh viêm gan đã khỏi. Để xác định các bệnh lý gan cần kết hợp nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, xét nghiệm sinh học phân tử PCR, xét nghiệm men gan… mới cho kết quả chính xác. Và quá trình này phải tuân thủ phác đồ, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế, tiêm vaccine phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và nên tiêm càng sớm càng tốt. Cần tiêm cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu nồng độ kháng thể trong máu thấp cần tiêm đủ 3 mũi, trong 3 tháng, sau đó nhắc lại. Phụ nữ trước và sau khi có thai cần được khám sàng lọc và kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan B hay không để điều trị kịp thời tránh lây sang cho con.