Nụ cười nơi biên viễn
Những ngày này với đồng bào người Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) thực sự là những ngày vui. Trên khu tái định cư, từng ngôi nhà mới vững chãi được mọc lên. Đã không còn nỗi lo bị núi vùi lấp mỗi khi mùa mưa bão về.
Thoát khỏi hiểm họa
Sau nhiều ngày tất bật, căn nhà của chị Hạng Thị Tòng đã thành hình trên nền đất bằng phẳng. Đó là một căn nhà theo nếp kiến trúc truyền thống của đồng bào Mông, vách gỗ chắc chắn, phía trước có sân khá rộng. 38 tuổi đã làm bà ngoại, chồng vướng vào lao lý vì ma túy, một mình chị xoay sở với bầy trẻ khiến chị già hơn tuổi. Nỗi khổ cực càng nhân lên mỗi khi mùa mưa bão về. Chỉ năm ngoái thôi, vào những ngày mưa dài lê thê, chị Tòng không dám đi đâu xa mà chỉ quanh quẩn ở nhà canh ngọn núi sừng sững phía sau bản đã nứt hoác, chỉ chực đổ ụp xuống. “Giờ thì không còn phải lo nữa rồi. Tôi và dân bản được Nhà nước chuyển đến đây, cho nhà mới để ở, vui lắm đấy. Có nhà mới rồi thì sẽ chuyên tâm làm ăn, cái nghèo sẽ phải lùi xa thôi”, chị Tòng bày tỏ niềm vui.
Rời nhà chị Tòng, tôi theo chân Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Giàng A Chống đi sâu vào phía trong bản. Trưởng bản Giàng A Chống hào hứng nói: Khu tái định cư tập trung ở bản Ón rộng 3,15 ha được xây dựng trên đồi cao, bám theo trục đường lên cột mốc G3, thuộc khu Ón 2. Đó là một mặt bằng kiên cố với 3 cấp nền, được kè móng chắc chắn, có bể chứa nước tập trung, rồi đường ống dẫn đến tận từng lô đất ở. “Để lo cho cuộc sống dân bản mình, Nhà nước đã cho mỗi hộ dân gần 400 triệu đồng để dựng nhà mới. Trước đây nghe chuyện khu tái định cư, dân bản chưa tin lắm đâu, vì trên núi tìm đâu ra chỗ đất bằng mà xây. Giờ thì dân bản tin rồi. Chúng tôi không phải lo chạy lũ, chạy sạt lở đất nữa”, Giàng A Chống xúc động bộc bạch.
So với nhiều thôn, bản khác, bản Ón có vị trí rất riêng biệt. Bởi bản nằm giáp với cả đường biên giới và ranh giới, là bản duy nhất vừa tiếp giáp với nước bạn Lào, vừa tiếp giáp tỉnh Sơn La (bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ). Cũng bởi vị trí địa lý, địa bàn lại có nhiều đường mòn, lối mở, rừng sâu ít người qua lại, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, nên bản Ón đã từng là điểm đen về tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong khi, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy với ngô, sắn, lúa năm được mùa, năm không. Một sào lúa, năm nào được mùa, năng suất cao nhất cũng chỉ được 1,2 tạ, và mỗi năm chỉ làm được 1 vụ. Vậy nên, cái nghèo cứ mãi đeo bám họ. Cho đến nay, cả bản có 113 hộ với 704 nhân khẩu (đều là đồng bào dân tộc Mông) thì chỉ có 3 hộ cận nghèo, còn lại đều là hộ nghèo.
Khi cái ăn còn lo chưa đủ, mỗi năm cứ đến mùa mưa bão dân bản lại ngay ngáy nỗi lo bị đất sạt lở vùi lấp. Mà đỉnh điểm là qua trận mưa lớn kéo dài trong năm 2018. Trưởng bản Giàng A Chống kể lại: Dạo đó, mưa ròng rã gần tháng trời, bà con cũng không lên rẫy được. Nhà nào cũng dột, cũng thấm nước. Con đường đất về trung tâm xã cũng bị sạt lở nặng, xe ô tô không đi được, đi xe máy thì nhiều đoạn phải khiêng, nên nhiều nhà không mua được gạo ăn. Mưa chưa dứt, người dân bàng hoàng phát hiện quả đồi cao phía sau khu Ón 2 có một vết nứt gần bằng nửa sải tay người, hàng trăm nghìn khối đất đá có thể trôi tụt xuống bất kể lúc nào. Tiếng kẻng báo động vang lên, dân bản nhao nhác, bồng bế nhau chạy giữa trời mưa gió mịt mùng, những mong thoát khỏi cơn tai họa.
Cứ qua mỗi mùa mưa, vết nứt kia lại thêm rộng, khiến hàng chục hộ dân vẫn nơm nớp nỗi lo. Và cơn ác mộng ấy chỉ thực sự chấm dứt vào cuối tháng 9/2021, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 590-KL/TU về việc sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để thực hiện đầu tư 3 khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, theo hình thức đầu tư khẩn cấp, trong đó có khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát).
Khu tái định cư bản Ón được triển khai với tổng mức đầu tư 16.023 tỉ đồng, phục vụ di dời 42 hộ dân với 244 nhân khẩu sinh sống ở nơi có nguy cơ cao bị sạt lở đất. Sau thời gian dài tập trung, khắc phục khó khăn, đơn vị thi công đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2023 với đầy đủ các hạng mục công trình dân sinh.
Thắp lên hy vọng
Hôm tôi đến, khu tái định cư đã hiện hữu hơn 30 nóc nhà. Những căn nhà dù còn trong quá trình hoàn thiện, như căn nhà của anh Giàng A Chống, của chị Hạng Thị Tòng, vẫn còn tiếng đục, tiếng cưa, nhưng khói bếp bay lên gần mỗi giờ cơm, báo hiệu cuộc sống nơi ở mới đã bắt đầu. Và mỗi người tôi gặp, dù bận rộn, mệt nhọc với công việc, nhưng đều rạng rỡ nụ cười, xua tan đi nỗi lo của những ngày cũ.
Nói về thời điểm bắt tay vào xây dựng dự án, ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, không giấu được niềm trăn trở: Ngay khi triển khai, việc lựa chọn được vị trí bằng phẳng làm nơi tái định cư tập trung cũng rất khó khăn, thêm vào đó định mức kinh phí được hỗ trợ còn thấp so với giá cả vật liệu thực tế tại địa phương. Điều kiện thời tiết mưa nhiều, địa hình đi lại, vận chuyển vật liệu khó khăn dẫn đến việc thực hiện không được đúng tiến độ. Tuy nhiên, huyện quán triệt mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân nên vẫn di dời dân đến vị trí mới và từng bước hoàn thiện khu tái định cư. “Miền núi hay miền xuôi thì vẫn phải an cư mới lạc nghiệp. Hỗ trợ đồng bào đến nơi ở mới cũng là một biện pháp giúp họ thoát nghèo bền vững”, ông Bình đúc rút.
Nói về ý nghĩa của các dự án tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Thanh Hóa, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Mục tiêu của việc bố trí, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới là nhằm ổn định, nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng, an ninh.
Tôi rời bản Ón khi mặt trời đã bắt đầu khuất bóng sau những đỉnh núi phía xa. Tôi tin, trên vùng đất mới, bà con dân bản đã có điều kiện để thoát khỏi những đói nghèo đã đeo bám dai dẳng tự bao đời từ những hy vọng mới, dù là nhỏ thôi… Hơn thế nữa, đồng bào được an cư cũng góp phần giúp chính quyền, xây chắc thế trận lòng dân ở một vùng phên dậu của Tổ quốc.