Tìm lại tính chuyên nghiệp và thương hiệu cho xuất bản
Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V (2023 - 2028) kết thúc cách đây ít ngày là dịp để những người làm xuất bản nhìn nhận lại toàn cảnh ngành xuất bản những năm qua, từ đó có giải pháp cho thời gian tới, đặc biệt là cách tiếp cận với những người trẻ.
Tìm những cách mới để tiếp cận độc giả
Theo thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam, trong những năm 2017 đến 2022, các nhà xuất bản (NXB) đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu ngày càng tăng. Số lượng xuất bản phẩm và số bản phát hành cũng như doanh thu, lợi nhuận của toàn ngành xuất bản năm sau đạt cao hơn năm trước. Năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 3.000 tỷ đồng. Năm 2022, đã tăng lên 3.994,09 tỷ đồng (tăng 33,3% so với 2021). Năm 2022, có 18/57 NXB có mức tăng trưởng cao về doanh thu.
Trong những năm qua, các NXB, các đơn vị liên kết xuất bản đã cố gắng nắm bắt xu thế phát triển xuất bản hiện đại trên thế giới, rất nhanh nhạy trong việc khai thác và mua bản quyền, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ nhu cầu thị hiếu của bạn đọc… Sách được chọn lọc kỹ về nội dung và ngày càng được đầu tư nhiều hơn về hình thức, chất lượng in ấn, vì vậy sách mới trong những năm gần đây hình thức đẹp hơn, chất lượng nâng cao hơn. Một số đơn vị đã xuất bản thêm các phiên bản sách đẹp, giá trị cao, có số lượng giới hạn đáp ứng nhu cầu độc giả mua sách để sưu tầm.
Ngoài ra, nhiều NXB cũng nỗ lực tìm những cách mới để tiếp cận độc giả trẻ. Một số đang thử nghiệm với các nền tảng xuất bản kỹ thuật số, để cho sách dễ tiếp cận với nhiều đối tượng hơn. Một số NXB đang hợp tác với các trường học và thư viện để thúc đẩy việc đọc và tăng cường cung cấp thông tin cho giới trẻ.
Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, gần 20 năm qua, toàn ngành xuất bản Việt Nam nỗ lực tìm tòi, sáng tạo. Kết quả rất đáng mừng, tuy nhiên những hạn chế và thách thức mới cũng đã xuất hiện, đối với toàn ngành và đối với từng NXB.
“Trong khoảng 20 năm qua, qui mô, mô hình tổ chức các NXB hầu như không thay đổi, chỉ có sự cải tiến, sắp xếp, thêm bớt... các NXB, quy định 2 loại hình NXB, rà soát, bổ sung, mở rộng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của các NXB để các NXB rộng đường hoạt động, song từ đó, sự chồng chéo, tính chuyên nghiệp và thương hiệu của một số NXB lớn bị nhạt nhòa dần. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chủ quản được xác định ngày càng lớn và nặng, song trong thực tế, còn nhiều bất cập chưa giải quyết được… Những mô hình mới gợi mở cho sự phát triển của xuất bản hiện đại nêu ra trong Chỉ thị 42/CT-TW “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” từ năm 2004 hầu như chưa được thử nghiệm, triển khai” - ông Dũng nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng
Theo GS Đinh Xuân Dũng, đích đến quan trọng thể hiện chất lượng của xuất bản là sản phẩm. Chúng ta cần rất nhiều sách phổ cập nâng cao mặt bằng dân trí và nhu cầu xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, hiện đại hóa quy trình xuất bản từ xây dựng nền tảng công nghệ, tạo ra sự phát triển đồng thời cả xuất bản truyền thống được hiện đại hóa và xuất bản điện tử ở thế phát triển vững chắc, hiệu quả về mặt văn hóa và kinh tế.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, để giải bài toán xuất bản, cần chủ động đón nhận các xu hướng mới, đặc biệt là hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Luật Xuất bản hiện hành có nhiều nội dung đã bộc lộ hạn chế cần điều chỉnh, nhất là những nội dung gắn với chính sách khuyến đọc, chuyển đổi số, bảo vệ bản quyền và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo khảo sát tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, chỉ có 20% thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 đọc sách thường xuyên. Đây là một sự sụt giảm đáng kể so với những năm trước và là một xu hướng đáng lo ngại đối với ngành xuất bản.
Thúc đẩy việc đọc sách trong giới trẻ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện kỹ năng đọc viết và tư duy phản biện. Tuy nhiên, ngành xuất bản ở Việt Nam phải vượt qua những thách thức này để đưa sách đến được với độc giả trẻ.
TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần phát triển sách trực tuyến và ứng dụng đa phương tiện, tích hợp xuất bản với trải nghiệm tương tác và thực tế ảo; xây dựng cộng đồng đọc sách trực tuyến, tạo ra môi trường kết nối giữa tác giả, NXB và độc giả thông qua các nền tảng trực tuyến; tích hợp xuất bản với trải nghiệm tương tác và thực tế ảo; tận dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu để hiểu rõ hơn về người đọc để từ đó cung cấp nội dung tùy chỉnh và gợi ý sách phù hợp với từng độc giả; đào tạo và nâng cao năng lực cho các NXB, biên tập viên… đồng thời phát triển các chương trình giáo dục và hỗ trợ cho tác giả trẻ, những người mới vào ngành xuất bản…
Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã đến lúc cần có trung tâm về bảo vệ bản quyền sách của Hội Xuất bản Việt Nam. Phát triển thị trường cần đi đôi với các giải pháp bảo vệ thị trường, chống hiện tượng gian lận thương mại, buôn bán sách lậu, sách giả. Đây là vấn nạn nhức nhối bao năm qua, cần giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện thể chế đến tăng cường tuyên truyền ý thức pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý, triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn gian lận.