Quay quắt trong nắng hạn
Nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao, người lao động nhọc nhằn mưu sinh; lúa, hoa màu khát nước trầm trọng. Hiện nhiều diện tích cây ăn quả của người dân ở vùng “chảo lửa” Hương Khê chết cháy. Hồ, đập cạn trơ đáy. Hà Tĩnh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để chống nắng hạn.
Chạm mực nước “chết”
Mùa hè năm nay nền nhiệt cao cộng với nắng hạn kéo dài khiến mực nước của nhiều hồ chứa, đập dâng trên địa bàn Hà Tĩnh xuống thấp, tác động xấu đến hoạt động tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Tại các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… tình trạng hồ, đập cạn nước đáng báo động.
Tại “chảo lửa” Hương Khê, theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện này, nguy cơ thiếu nước hiện hữu bởi nhiều hồ, đập đã chạm mực nước “chết”. Trong đó, báo động là hồ chứa nước Khe Con, xã Hương Giang, hồ chứa nước Khe Nậy xã Hòa Hải, đập Mưng, xã Điền Mỹ, hồ Cha Chạm, xã Gia Phố, hồ Khe Sông, hồ Khe Trồi, xã Phúc Trạch...
Anh Nguyễn Xuân Thành - Trạm trưởng Trạm Sông Tiêm (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho biết: Trong vòng 4 năm nay, chưa bao giờ đập dâng Khe Táy ở xã Lộc Yên rơi vào tình trạng cạn nước như bây giờ. Hiện mực nước đã ở mức thấp hơn mực nước thiết kế hơn 1m, nếu giảm thêm 10 cm nữa sẽ chạm mực nước “chết”.
Nắng nóng kéo dài, huyện Hương Khê còn đứng trước nguy cơ thiếu nước để tưới giai đoạn lúa trổ cho hàng trăm ha lúa vụ Hè Thu của người dân tại các xã như Hương Xuân, Hòa Hải, Điền Mỹ, Hà Linh…
Cùng với Hương Khê, huyện Vũ Quang, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh là những vùng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vì địa bàn chia cách, nhiều vùng núi và hồ, đập nhỏ. Những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, hồ chứa Mộc Hương (nằm ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh) có dung tích thiết kế 1,97 triệu m3 nước đã “tụt” hẳn còn khoảng 35%. Hơn 100 ha lúa Hè Thu luôn trong tình trạng thiếu nước.
Qua theo dõi, vận hành tại 33 hồ chứa, 4 đập dâng của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đơn vị này cho biết, tình trạng thiếu nước, cạn nước xuất hiện khá phổ biến ở các hồ, đập nhỏ và hầu hết các địa phương. Thực trạng này đã tác động xấu tới công tác vận hành, điều tiết nước tưới ở các vùng tưới. Đặc biệt, ở vùng cao, cuối nguồn tưới của kênh thủy lợi, nhiều chân ruộng Hè Thu đã nằm trong vùng báo động hạn hán như: Hương Giang, Phú Phong, Hòa Hải, Phúc Trạch (Hương Khê); Cẩm Hà, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên);...
Cây ăn quả chết cháy
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê - một trong những vùng trồng bưởi lớn nhất của Hà Tĩnh - tình trạng nắng hạn đã ảnh hưởng rất lớn đến vựa bưởi. Theo người dân, đây là thời điểm nước rút để chuẩn bị thu hoạch, tuy nhiên, nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới khiến hàng trăm hecta bưởi của người dân bị thiệt hại.
Mệt nhoài sau những ngày vật lộn với vườn bưởi hơn 200 gốc, anh Phan Văn Chung (SN 1986, thôn 6, xã Hương Thủy) cho hay, khoảng một tháng nữa vườn bưởi của anh bắt đầu thu hoạch. Giai đoạn này, cây bưởi rất cần cấp đủ lượng nước tưới để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng quả. Thế nhưng, gần 2 tháng nay, nắng nóng kéo dài, 2 hồ nước của gia đình anh chạm đáy, không đủ nước để tưới. Trong khi, sông Ngàn Sâu cách xa nhà nên chỉ trông chờ vào 2 hồ nước của gia đình tự đào. Thay vì tưới đẫm anh chỉ dám tưới ẩm để tiết kiệm.
“Không chỉ ao, hồ mà nước sông Ngàn Sâu cũng cạn. Từ khi tôi về đây sinh sống, đây lần đầu tiên thấy mực nước sông Ngàn Sâu xuống thấp, khô cạn như vậy. Vườn bưởi của tôi nhiều cây bị co, rụng hết lá. Thiếu nước tưới nên những cây dù có bám trụ được thì quả cũng không to như các năm khác. Năm ngoái, vườn bưởi cho năng suất khoảng 4.000 quả nhưng năm nay ước lượng chỉ được một nửa” - anh Chung nói.
Tương tự, nắng nóng cũng đã khiến gần 2ha vườn cây ăn quả của anh Phan Văn Phương (SN 1981, trú tại thôn 5, xã Hương Thủy bị ảnh hưởng. Anh Phương cho hay, hàng trăm gốc bưởi của gia đình anh héo queo, khô lá vì thiếu nước tưới. “Ngồi trong nhà nhìn ra vườn bưởi như cảnh mùa Thu, lá vàng khô héo hết. Cây bưởi đã đành, hàng trăm gốc cam trồng trên đồi cao càng khô hạn. Mấy hôm nay tôi phải tự tay chặt bỏ hàng chục cây cam, bưởi chết khô, xót xa quá”, anh Phương buồn bã chia sẻ.
Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 348 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước; có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hằng năm, các công trình cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nắng gay gắt khiến mực nước ở hơn 50% số hồ đập trên địa bàn đã giảm mạnh, đe dọa đến nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Theo ngành chuyên môn, nếu tình trạng này kéo dài, tới đây, một số công trình sẽ bị... tê liệt do cạn nguồn nước.
Ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, nếu từ nay đến hết tháng 8 không có nguồn nước mưa bổ sung thì nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Hương Khê, Hương Sơn và những vùng cuối kênh chính hồ Kẻ Gỗ và sông Rác là những vùng nguy cơ xảy ra hạn hạn khốc liệt. Nắng nóng khiến lượng nước bốc hơi nhiều nên càng khô cạn. Hiện, hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) đủ nước tưới còn hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) phải căn ke mới đủ. Lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.