Thu hút nguồn lực vào trí tuệ nhân tạo
Việc TP HCM triển khai chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã được nhiều cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng.
Một trong những đơn vị tiên phong tại TP HCM trong nghiên cứu, ứng dụng thành tựu AI vào thực tiễn là Khu Công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP HCM (ITP).
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, ITP được thành lập vào năm 2003 với trọng tâm ban đầu là phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ định hướng nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển của khoa học công nghệ (KHCN), nhất là xu hướng ứng dụng AI, ITP đã được tái cấu trúc về tổ chức và hoạt động, chuyển sang mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo hướng này, ITP đã trở thành đầu mối để triển khai các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ hợp tác với Bộ KHCN và TP HCM. Đáng chú ý, ITP được giao thành lập chương trình đào tạo AI và công nghệ Robot (AIC).
Hiện nay, chương trình vẫn đang tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động và nghiên cứu ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục, cũng như tạo ra một môi trường học tập tích cực cho học sinh, sinh viên tại Đại học Quốc gia TP HCM.
Không chỉ Đại học Quốc gia TP HCM, Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) cũng đã có những bước đầu tiên nghiên cứu đề án về thành lập Trung tâm nghiên cứu công nghệ AI và Big Data trong Kinh tế. Theo GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng nhà trường, trước xu hướng phát triển nhanh của AI và công nghiệp 4.0, UEH đã chủ động quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng KHCN ứng dụng. Đồng thời, đổi mới các ngành đào tạo truyền thống để phù hợp với quá trình chuyển đối số quốc gia. Để tiếp thu các góp ý cho đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu công nghệ AI và Big Data, Trường cũng đã tổ chức tọa đàm để thảo luận, làm rõ các bước triển khai và vận hành một Trung tâm dữ liệu lớn. Theo Hiệu trưởng UEH, trường sẽ có chính sách đầu tư hạ tầng số phù hợp để ứng dụng hiệu quả AI và Big Data nhằm phục vụ cho quá trình đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Không chỉ dừng lại ở cấp độ đại học, từ năm học 2022-2023, Sở GDĐT TPHCM đã có kế hoạch đưa nội dung trí tuệ nhân tạo vào nhà trường. Trong đó, khối trung học cơ sở đưa nội dung này vào chương trình, hoạt động của các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa. Riêng cấp THPT có thể đưa vào chương trình chính khóa ở lớp 11 và các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM, thời gian qua một số đơn vị trường học đã triển khai các nội dung liên quan AI, như tại TP Thủ Đức đã có đơn vị chủ động đưa AI vào các tài liệu giáo dục. Hiện nay, Sở GDĐT cũng đang tiếp tục chủ động liên hệ các sở, ngành, các trường đại học để đặt hàng các tài liệu giáo dục liên quan đến AI để phục vụ vào đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, cũng như tổ chức sân chơi trong trường học.
Đến nay, TP HCM đã triển khai chương trình chuyển đổi số khá hiệu quả, với việc ra mắt một số nền tảng quan trọng, bao gồm: Hệ thống giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân theo thời gian thực; Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; Dashboard tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội của thành phố.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI của thành phố đến năm 2030 với mục tiêu tăng năng suất lao động của công chức, viên chức thành phố. Đồng thời, tạo lập cơ chế liên thông, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cấp, sở, ngành, các quận, huyện, từ đó thúc đẩy hiệu quả chính quyền số vốn đang còn một số hạn chế.
Nhận định tại hội thảo về ứng dụng AI trong lĩnh vực hành chính công của TP HCM vừa qua, lãnh đạo Sở Thông tin-Truyền thông TP HCM cho biết, thời gian qua thành phố đã ghi nhận ứng dụng AI khá hiệu quả ở lĩnh vực hành chính công. Điển hình, TP Thủ Đức đã triển khai được dịch vụ “Định danh khách hàng điện tử”; quận Bình Tân và Quận 12 ứng dụng AI trong quản lý trật tự xây dựng; Công an thành phố ứng dụng AI trong hệ thống camera giám sát trật tự xã hội. Riêng Sở Thông tin-Truyền thông đã ứng dụng hiệu quả AI trong Hệ thống 1022 phát huy được hiệu quả rất cao trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, nhiều sở, ngành, quận/huyện đã ứng dụng được hệ thống Chatbot/Voicebot để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... trong khu vực hành chính công và xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính.
Dự kiến, chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP HCM giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng hạ tầng số với mục tiêu định hướng phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên toàn thành phố. Riêng trong năm nay, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng số, với việc triển khai hạ tầng 5G và hạ tầng kết nối IoT cho TP Thủ Đức và một số điểm quận, huyện định hướng đô thị thông minh.