Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Cán bộ dôi dư, giải quyết thế nào?
Theo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 thì đến năm 2025 dự kiến sẽ sáp nhập 33 huyện và 1.300 xã. Vấn đề nhận được sự quan tâm nhất sau sắp xếp chính là việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với huyện, xã sau sáp nhập, đặc biệt là việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư.
Việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 nhằm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị. Theo tờ trình của Chính phủ, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị, bảo đảm xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Gắn sắp xếp với đổi mới, tổ chức bộ máy
Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã ngoài căn cứ vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì còn phải chú trọng đến các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý tự nhiên, cộng đồng dân cư, tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước và đời sống của nhân dân, bảo đảm ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, đồng thời phải bảo đảm chất lượng đô thị theo quy định.
Đặc biệt, trong việc sắp xếp lần này xác định đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Trong khi đó, đến năm 2030 hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Lộ trình đặt ra là vậy song “điểm nhấn” của lần sắp xếp này ngoài 2 yếu tố là dân số và diện tích thì theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, phải mang tính bao trùm. “Phải đảm bảo làm sao tạo được hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để chúng ta giữ được ổn định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không những đảm bảo sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả mà phải đảm bảo được yêu cầu xu thế phát triển của đất nước để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Tạo động lực, tạo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới nâng cao đời sống của người dân. Nhưng đặc biệt phải giữ được ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh” - Bộ trưởng Nội vụ cho biết.
Đáng chú ý, lần này bên cạnh việc hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì vẫn đang triển khai sắp xếp song song sắp xếp tại thôn, tổ dân phố. Theo đó, từ 2018 đến nay đã giảm 52.103 thôn, tổ dân phố. Như vậy đã giảm được một tỷ lệ rất lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm đồng tình với quan điểm trong tờ trình của Chính phủ. Song, ông Tùng đề nghị trong các giai đoạn sau này cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp xử lý, sắp xếp cả đối với những ĐVHC cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với năng lực của bộ máy chính quyền và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chính sách sau sắp xếp
Song vấn đề nhận được sự quan tâm nhất sau sắp xếp chính là việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với huyện, xã sau sáp nhập thế nào, đặc biệt là việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, qua báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 ĐVHC cấp huyện và khoảng 1.327 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Từ đó dự kiến số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện khoảng 2.500 người, cấp xã khoảng 27.900 người và không chuyên trách ở cấp xã khoảng 16.000 người.
Liên quan đến áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp, bà Trà khẳng định, sẽ tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách như trước thời điểm sắp xếp. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được áp dụng chế độ, chính sách với mức cao nhất của một trong các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh tiến hành rà soát, công nhận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận các chế độ, chính sách đặc thù đối với ĐVHC hình thành sau sắp xếp. Phạm vi và chế độ, chính sách được hưởng theo các chương trình mục tiêu quốc gia được giữ ổn định như trước thời điểm sắp xếp cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc cho đến hết thời hạn của chương trình. “Không giảm ngay tất cả các chính sách mà giữ nguyên để ổn định như trước thời điểm sắp xếp và chậm nhất sau 3 năm sẽ rà soát, xem xét và đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định” - Bộ trưởng cho biết.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, từ trước đến nay công tác cán bộ sau sắp xếp vẫn là khó khăn, phức tạp nhất, dễ nảy sinh tư tưởng bởi vấn đề trụ sở có thể xử lý bố trí sử dụng được trong vài năm, còn công tác cán bộ cần phải có chính sách hợp lý phù hợp.
“Trường hợp có trình độ năng lực đáp ứng vị trí việc làm thì phải giữ chân. Trường hợp nào đủ điều kiện liên thông thì cho liên thông lên. Ở cấp cơ sở, cán bộ là nơi gần dân, sát dân nhất. Cho nên cần sự phân loại cán bộ, bố trí cán bộ sau sắp xếp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước. Sắp xếp cũng là dịp để củng cố lại bộ máy, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, giữ lại đủ “chất” thay vì “lượng” - ông Dĩnh nêu ý kiến.
Vẫn theo ông Dĩnh, chi phí cho bộ máy rất lớn. Trước đây 70% là chi cho bộ máy, giờ giảm còn 60% nhưng cần phải tiếp tục giảm nữa để có nguồn lực để tăng lương, giảm chi phí hành chính, tăng hiệu lực hiệu quả, nâng cao chất lượng công chức viên chức. Ví dụ trước đây xã thì nhiều lần họp nhưng giờ 1 xã thì chi phí hội họp cũng giảm đi. Quan trọng nhất là chất lượng hoạt động của bộ máy.
Còn theo ông Trần Ngọc Vinh (ĐBQH khoá XIII), việc lựa chọn cán bộ thuộc trách nhiệm chính của chính quyền địa phương. Theo đó, phải giữ chân bằng được người làm được việc ở lại. “Đối với cán bộ dôi dư, không bố trí sau sắp xếp thì giải quyết theo chế độ. Chính phủ phải dành kinh phí để giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư để tránh tâm tư” - ông Vinh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đảm bảo phù hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị và các quy hoạch khác có liên quan. Sáp nhập nhưng không làm giảm chất lượng đô thị. Các đơn vị sau khi sáp nhập phải đảm bảo về loại đô thị, tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị, đặc biệt là tiêu chí về cơ sở hạ tầng đô thị. Theo nguyên tắc, đơn vị hành chính cấp huyện nhập vào cấp đô thị phải giữ nguyên được chất lượng đô thị và loại đô thị.
Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp ĐVHC để bảo đảm thực hiện đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh:
Cán bộ, công chức áp dụng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực
Người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được áp dụng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng với mức cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cùng cấp được nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính mới cho đến khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền. Tôi băn khoăn như vậy có tạo ra suy nghĩ có sự khác biệt giữa người dân và cán bộ không?