Thủ tướng Phạm Minh Chính là Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ
Sáng 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ được tổ chức tại TP HCM. Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ và ban hành quy chế hoạt động của hội đồng. Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ hướng tới mục tiêu đổi mới cơ chế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng.
Hội đồng thực hiện chức năng giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ.
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ có Phó Chủ tịch thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ còn lại là bộ trưởng các bộ Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường.
Theo quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, Hội đồng sẽ điều phối theo các phương thức lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; lên kế hoạch điều phối liên kết vùng; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ họp thường kỳ một lần mỗi năm, họp đột xuất khi cần thiết. Địa điểm, phương thức họp do Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng quyết định.
Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và năng động, với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước là 281.100 doanh nghiệp, chiếm 41% số doanh nghiệp cả nước; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, đây còn là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, với khoảng 23.000 doanh nghiệp FDI từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, chiếm 41,1 % tổng vốn FDI cả nước, lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với trên 5.300 dự án, chiếm khoảng 60% tổng vốn FDI của vùng.
Chỉ riêng trong năm 2022, Đông Nam bộ có hơn 60 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 646 ngàn tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 31.500 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 287 ngàn tỷ đồng.
Các tỉnh – thành vùng Đông Nam bộ bao gồm: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.