Âm nhạc góp phần 'ghi điểm' cho phim
Nhạc phim luôn là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của một bộ phim. Sự đầu tư cho nhạc phim góp phần thể hiện ý đồ của đạo diễn, tâm lý của các nhân vật. Đồng thời, tạo bùng nổ cho các phân cảnh phim.
Nhiều ca khúc ghi điểm
Nhận thấy vai trò quan trọng của ca khúc nhạc phim, trước khi khởi chiếu, các nhà sản xuất thường tung ra MV ca khúc nhạc phim như một quy trình không thể thiếu của khâu quảng bá. Điều này có tác dụng tạo không khí chờ đợi, nhắc nhớ cho khán giả về bộ phim, càng làm tăng sự tò mò và lôi cuốn khán giả.
Ca khúc "Lặng yên dưới vực sâu" do nhạc sĩ Dương Trường Giang sáng tác trong bộ phim cùng tên:
Tại thị trường Việt Nam, Dương Trường Giang được mệnh danh là “Ông hoàng nhạc phim”, là người đứng sau các ca khúc của nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng bao gồm: “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “11 tháng 5 ngày”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Ma rừng”...
Trước đó, bộ phim "Người bất tử" có được điểm cộng từ khán giả khi sử hữu ca khúc "Ngày chưa giông bão" với giọng hát của ca sĩ Bùi Lan Hương. Ca khúc thuộc thể loại dream pop còn khá lạ lẫm và kén người. Loại nhạc này đem lại cảm giác lãng mạn nhưng không kém phần ma mị đã thật sự hợp với không khí bộ phim. MV của ca khúc cũng mang màu sắc bí ẩn như chính bộ phim khi dẫn dắt khán giả theo hành trình kết nối quá khứ - hiện tại của một người phụ nữ thông qua cuốn sách.
Dù không thật sự thành công về mặt doanh thu như mong đợi nhưng "Ngày chưa giông bão" đã giúp "Người bất tử" có thêm hiệu ứng tích cực từ phía khán giả. "Yêu đi đừng sợ" - ca khúc chính trong bộ phim cùng tên do ca sĩ Only C thể hiện mặc dù doanh thu thấp nhưng ca khúc vẫn đạt 16,6 triệu lượt xem.
Tương tự, âm nhạc là điểm cộng lớn của phim “Em và Trịnh”. Nhà sản xuất phim Hoàng Quân đánh giá phần nhạc đậm màu hoài niệm, khơi gợi cảm xúc và giúp đạo diễn cài cắm nhiều ẩn ý.
Bứt phá cách nào?
Trên thực tế, vượt ra khỏi khuôn khổ của một bộ phim, nhiều ca khúc đã trở thành những tác phẩm âm nhạc có đời sống độc lập. Song, vẫn không thể phủ nhận, nhạc phim Việt còn có chỗ yếu, thiếu.
Đạo diễn Ngô Quang Hải - diễn viên, đạo diễn sáng giá của làng điện ảnh Việt nhận định, các nhà sản xuất phim Việt Nam hiện nay đã thấy được vai trò quan trọng của âm thanh trong phim. Tuy nhiên làm thế nào nâng cao được chất lượng và hiệu quả của âm thanh trong phim Việt Nam thì lại là vấn đề không nhỏ.
Lý giải cho luận điểm trên, đạo diễn phim “Nhà của Pao” cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc sản xuất ậm nhạc cho một bộ phim gặp khó khăn.
“Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là vấn đề “con người”. Chúng ta thiếu những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này, đó là các nhà “đạo diễn” âm thanh, kỹ thuật viên âm thanh, từ việc lên một kịch bản âm thanh như thế nào cho hiệu quả, đến việc cập nhật và sử dụng các trang thiết bị thu âm hiện đại ra sao, xử lý âm thanh thế nào.
Bên cạnh đó chúng ta thiếu hẳn đội ngũ nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho phim được đào tạo bài bản. Vì kinh phí làm phim ở nước ta còn quá thấp nên việc đổi mới các trang thiết bị thu âm là điều hết sức khó khăn. Phải nói rằng, nếu so sánh với các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ và chỉ xét riêng về mặt âm thanh thôi thì trang thiết bị của chúng ta còn “thô sơ” quá”, đạo diễn Hải đánh giá.
Các nhà làm phim của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ cho hay: Trong một bộ phim, hình ảnh chiếm 85% còn âm thanh là 15%. Điện ảnh là môn nghệ thuật của hình ảnh, tuy nhiên họ lại khẳng định vai trò của âm thanh là rất lớn. Nếu một bộ phim chỉ có hình ảnh thôi, thì dù rất tốt nhưng sức biểu cảm và ý đồ muốn truyền tải của đạo diễn tới khán giả chỉ đạt 85% mà thôi. Nhưng đôi khi, chỉ với 15% âm thanh lại có thể đem đến hiệu quả là 100% sức biểu cảm tới khán giả.
Âm thanh trong một bộ phim bao gồm ba thành phần là: tiếng động, lời thoại và âm nhạc. Để làm được một bộ phim có âm thanh hay thì tiếng động phải sống động và chân thực, lời thoại phải có “duyên”, không thừa, không thiếu, phần âm nhạc phải rất tinh tế phù hợp với từng cảnh, từng đoạn phim, chất lượng thu âm phải tốt, sự hòa âm phải rất khéo.