Cảnh báo sốt xuất huyết trái mùa

Đức Trân 19/07/2023 07:17

Dịch sốt xuất huyết (SXH) thường bùng phát vào cuối năm. Tuy nhiên, năm nay số lượng ca bệnh lại xuất hiện sớm khi mà từ đầu năm đến nay Hà Nội đã có tổng cộng 1.114 ca SXH.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nguy kịch do đến bệnh viện muộn.

Tuần 27 (từ 7 đến 14/7) ghi nhận 291 ca SXH tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Huyện Thạch Thất là khu vực có nhiều ca SXH mới nhất trong tuần qua với 47 ca. Riêng xã Phùng Xá, đã phát hiện 160 ca bệnh.

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, nếu như vào thời điểm này hàng năm, số ca mắc SXH chỉ xuất hiện rải rác thì trong năm nay bệnh viện có khoảng 30 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Riêng tại Khoa Virus - Ký sinh trùng của bệnh viện này, có 13 bệnh nhân. Đặc biệt, trong gần hai tuần trở lại đây số ca mắc có xu hướng gia tăng, trong đó nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.

BS Trần Duy Hưng - Trưởng khoa Virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân vào viện điều trị SXH tăng hơn nhiều. Người bệnh thường có biểu hiện sốt và tự đi mua thuốc về điều trị, nhầm lẫn SXH với cúm A, cúm B và Covid-19.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 6 tới nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của cơ sở y tế này đã liên tục phát ra cảnh báo về diễn biến bất thường của dịch SXH. Do chủ quan khi dịch chưa “vào mùa”, không ít bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng trở nặng, gây khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe bản thân.

TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp mắc SXH với các dấu hiệu chuyển nặng. Nhiều bệnh nhân nhập viện có biểu hiện chảy máu, hạ tiểu cầu và máu cô đặc, nhiều trường hợp đi vào sốc.

Một trường hợp điển hình tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương là nam bệnh nhân N.Đ.V. (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện tình trạng đau đầu từ khoảng một tuần trước. Dù nằm trong khu vực có dịch SXH nhưng bệnh nhân không tới bệnh viện thăm khám. Sau 3 ngày uống thuốc không đỡ, thậm chí, tình trạng ngày càng nặng nề hơn, mệt mỏi kéo dài, anh V. mới đến bệnh viện. Lúc này tiểu cầu đã hạ thấp xuống 13 G/L, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, các bác sĩ chỉ định phải nhập viện gấp.

Tương tự, nữ bệnh nhân N.T.L. (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng được chỉ định nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, thậm chí, từng ngất xỉu tại nhà. Đặc biệt, men gan của bệnh nhân tăng cao tới 1800 UI/L, gấp hơn 40 lần so với bình thường, phổi bắt đầu có dịch.

Chị L. cho biết, chị thấy mệt mỏi, không ăn được, miệng đắng, buồn nôn, đi ngoài. Hôm sau, chị đến Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức khám, bác sĩ đề nghị nhập viện nhưng chị xin về. Tuy nhiên, trong quá trình ở nhà, chị thấy mệt mỏi với nhiều biểu hiện nặng và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc SXH tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc mới SXH có thể tiếp tục tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch.

Các chuyên gia cảnh báo người dân, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện SXH sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu người bệnh bị SXH sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh tình trạng nhập viện muộn dẫn đến bệnh trở nặng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Ngoài ra hiện nay, thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh.

Đức Trân