Tránh hình thức trong đánh giá cán bộ
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá đúng cán bộ, từ đó mới bố trí, sử dụng, bổ nhiệm đúng, tránh để xảy ra vi phạm.
Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 19.491 tổ chức đảng và 100.117 đảng viên, có 23.899 đảng viên là cấp ủy viên các cấp. Cấp ủy các cấp và chi bộ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 115 tổ chức và 795 đảng viên. UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 914 tổ chức đảng và 3.057 đảng viên, có 1.625 cấp ủy viên các cấp; UBKT Trung ương đã kiểm tra, kết luận đối với 16 tổ chức đảng và 29 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật.
Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 182 tổ chức đảng và 7.056 đảng viên, có 1.379 cấp ủy viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 1 người; Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 tổ chức đảng và 17 đảng viên. UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 92 tổ chức đảng và 2.894 đảng viên, có 889 cấp ủy viên.
Hà Nội là 1 trong 8 địa phương được đánh giá là làm tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Tính đến hết năm 2022 toàn thành phố còn 18 tổ chức cơ sở đảng chuyển tiếp sang năm 2023 tiếp tục củng cố. Đầu năm 2023, các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã tiến hành rà soát, nhận diện các tổ chức cơ sở đảng yếu kém hoặc có vấn đề cần quan tâm đưa vào diện cần củng cố và xây dựng các đề án, kế hoạch củng cố theo Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Hướng dẫn 05-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy. Kết quả rà soát, bổ sung thêm 30 tổ chức cơ sở đảng cần củng cố. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm toàn thành phố có 48 tổ chức cơ sở đảng cần củng cố thuộc 13 Đảng bộ quận, huyện ủy, 3 Đảng bộ Khối và 1 Đảng bộ Tổng công ty.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong 6 tháng qua, việc quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết tại một số cấp ủy chưa được quan tâm đúng mức, chưa chú trọng rà soát, đánh giá, kịp thời phát hiện tổ chức cơ sở đảng yếu kém hoặc có vấn đề cần quan tâm, củng cố. Công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm đã có nhiều chuyển biến tích cực, song một số nơi vẫn còn tình trạng cào bằng, nể nang, hình thức dẫn đến kết quả đánh giá, xếp loại chưa phản ánh đúng chất lượng. Thậm chí có tổ chức đảng được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nhưng có cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Theo ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đơn vị cần tránh bệnh hình thức trong công tác đánh giá cán bộ. Cần chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng chi bộ 4 tốt, tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Tương tự, tại Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, Ban Thường vụ đã chỉ đạo thực hiện 11 cuộc kiểm tra, 4 cuộc giám sát chuyên đề tại 18 cấp ủy địa phương, đơn vị. UBKT Tỉnh ủy thực hiện 27 cuộc kiểm tra, giám sát tiến hành kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 28 cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý tại 5 huyện, 3 ngành cấp tỉnh. Đến nay, đã hoàn thành việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức đảng; trong đó, đã thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng, đang xem xét, thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với 2 đảng viên bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Trong thời gian tới, UBKT Trung ương xác định cần đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những nơi có nhiều vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh.
Theo ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khoá XIII, lâu nay đánh giá cán bộ chủ yếu là cuối năm kiểm điểm, sau đó góp ý và bình bầu. Do đó những bản kiểm điểm đều ở mức… hoàn thành nhiệm vụ. Chưa kể có tình trạng “dĩ hòa vi quý”, “người nọ nhìn người kia” trong bình bầu, nể nang nhau. Bởi vậy tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất cao nhưng thực chất hiệu quả chưa tương xứng với kết quả bình bầu, đánh giá cán bộ.
Ông Tiến cũng nhìn nhận rằng, khi cấp trên phê duyệt cũng mang tư tưởng nể nang, không nhìn thẳng vào sự thật. Nếu như chúng ta đổi mới, đánh giá cán bộ không bằng bản “tự khai” mà dựa trên hiệu quả công việc hàng ngày, đưa ra các tiêu chí. Thủ trưởng căn cứ vào đó để chấm, đánh giá bằng chính hiệu quả công việc chứ không phải bằng tự khai báo, kiểm điểm, tự ngồi với nhau “dĩ hoà vi quý”. Đánh giá đúng cán bộ thì mới bố trí, sử dụng đúng theo vị trí công việc. Từ đó công việc mới “chạy”, không để xảy ra các vi phạm.