Cao tốc phía Nam thiếu trạm dừng chân
Hiện khu vực phía Nam đang có hơn 400km đường bộ cao tốc được khai thác, gồm các tuyến TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; TPHCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc này, là trạm Châu Thành (tỉnh Long An) và trạm Long Thành (Đồng Nai) đều đang trong tình trạng quá tải.
Đã vậy, vị trí trạm dừng nghỉ lại đặt không phù hợp. Ví dụ như từ TPHCM đi miền Tây, trạm dừng chân nằm ngay ở vị trí gần nơi phương tiện mới di chuyển vào cao tốc được chừng 30km, chưa có nhu cầu nghỉ ngơi. Nhưng nếu không dừng lại thì sẽ không còn nơi nào nữa bởi trục cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ có duy nhất 1 trạm dừng chân.
Hiện nay, trạm dừng chân là nơi đổ xăng, đi vệ sinh, ăn uống của hành khách, tài xế nhưng chưa có dịch vụ kiểm tra, sửa chữa xe cho các phương tiện. Đây cũng là bất cập lớn với những phương tiện có dấu hiệu bị hư hỏng khi di chuyển trên cao tốc.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu thốn trạm dừng chân ở trục cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo đáng báo động. Với chiều dài lên đến gần 260km nhưng trục cao tốc này cũng chỉ có 1 trạm dừng chân ở địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Là đơn vị đang quản lý, khai thác tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong quy hoạch thì tuyến cao tốc này có 1 trạm dừng chân nằm trên địa bàn huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Vừa qua, tập đoàn đã có kiến nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang sớm triển khai xây dựng trạm dừng chân do nhu cầu ngày càng nhiều của hành khách. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Bon - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, dự án xây dựng trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chưa có thời điểm chính xác khởi công.
Còn tại trục cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo theo quy hoạch sẽ có thêm 2 trạm dừng chân được xây dựng. Trạm thứ nhất nằm ở địa bàn huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) và trạm thứ 2 ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Điều đáng nói là mặc dù đều nằm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhưng 2 trạm dừng chân này cách nhau khoảng 170km.
Được biết, ít tháng nữa khi hoàn thành, trục cao tốc từ TPHCM đi Nha Trang dài khoảng 400km sẽ liền mạch và rất cần trạm dừng chân. Việc xây dựng trạm dừng chân song song với xây dựng đường cao tốc là cần thiết và phù hợp, tránh tình trạng sau khi đưa vào khai thác đường cao tốc mới đi tìm nhà đầu tư xây dựng trạm dừng chân như hiện nay.