Chọn ngành không chỉ dựa vào tên gọi

Thu Hương (thực hiện) 19/07/2023 07:19

Đó là lời khuyên của PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) đối với các thí sinh đang chuẩn bị đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 2023.

PGS.TS Trần Thành Nam.

PV: Thưa ông, một trong những vấn đề được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm nhất hiện nay sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 đó là nên đăng ký xét tuyển vào ĐH ngành nghề nào. Quan điểm của ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Trước hết, việc xét tuyển ĐH, cao đẳng năm 2023 chưa có những thay đổi mang tính chất khác biệt hẳn so với năm 2022. Một thay đổi rõ nét nhất theo tôi đó là khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung, thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển mà phần mềm sẽ tự xử lý trên các minh chứng mà thí sinh cung cấp, tạo thuận lợi và tăng cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng thí sinh yêu thích nhất. Thời điểm này, tôi cho rằng thí sinh cần cân nhắc giữa việc đăng ký xét tuyển vào ngành mơ ước và một số ngành vừa sức hơn. Nhìn lại xu hướng trong những năm gần đây, sau thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu việc làm tăng hơn ở nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, ví dụ ngành y, y học cổ truyền, tâm lý học, ngành điều dưỡng, công tác xã hội… Thứ hai là các nhóm ngành liên quan đến thương mại điện tử, quản lí logistics, các dự án quản lý công nghệ…

Mùa tuyển sinh năm nay, các trường mở thêm các ngành mới liên quan đến thiết kế sáng tạo, Digimarketing… là những ngành mà xu hướng thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế đang có nhu cầu, thí sinh cũng có thể tham khảo.

Một căn cứ khác thí sinh có thể tham khảo là số liệu thống kê của Bộ GDĐT về các nhóm ngành được thí sinh lựa chọn đăng ký những năm gần đây. Cụ thể, trong 3 - 5 năm vừa qua, các lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm, có số thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất bao gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin. Tiếp theo là các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa hoc Xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục. Đây đều là những nhóm ngành vô cùng quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung.

Tuy nhiên, cũng có những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh, đã thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học khá thấp so với tổng chỉ tiêu các trường đặt ra. Đó là các nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu thí sinh cảm thấy phù hợp với bản thân thì cứ mạnh dạn đăng ký dù đó không phải là ngành “hot” hay ngành xu hướng như dự báo.

Theo ông, khi chọn ngành, chọn trường, thí sinh nên dựa trên những yếu tố nào để tránh sai sót?

- Khi chọn ngành nghề để đăng ký xét tuyển, thí sinh và gia đình nên tuân thủ một số nguyên tắc về sở thích, hứng thú và năng lực của bản thân đáp ứng ngành nghề nào. Đối với thế hệ GenZ (thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) cần mở một nhãn quan rộng hơn, nhìn tổng thể một lượt các ngành nghề đào tạo, có những ngành nghề rất mới, không có trong định nghĩa, hình dung của các em. Khi đó cần tìm hiểu, cập nhật thêm những thông tin về các ngành đó. Có thể thông qua bản mô tả/đặc tả về chương trình đào tạo do các trường cung cấp, từ đó giúp đem lại những thông tin chi tiết về chương trình đó: sau khi tốt nghiệp, học sinh có năng lực gì; học chương trình đó có thể làm những vị trí công việc nào; khung chương trình đào tạo có những môn học nào mình thích, môn nào không…

Chọn ngành nghề đừng chỉ dựa trên mỗi tên gọi mà phải xem bản đặc tả về ngành nghề đó phù hợp với mình hay không. Thứ hai là xem những ngành nghề đó trong 5-10 năm tới sẽ có xu hướng thế nào, không phải chỉ dựa vào những gì mình biết ở thời điểm hiện tại.

Ông có lời khuyên nào đối với những thí sinh đến thời điểm hiện tại vẫn chưa biết mình thích gì, mình phù hợp với ngành nghề nào?

- Ở tuổi 18, không phải thí sinh nào cũng thực sự hiểu mình muốn làm nghề gì, mình phù hợp với ngành nghề nào, thậm chí có những em chưa xác định được mình thích gì. Đừng quá lo lắng. Cũng phải thẳng thắn với nhau rằng không phải tất cả chương trình nào của bậc ĐH khi ra cũng làm đúng ngành nghề đó mà sẽ phải học liên tục, học cả đời. Nhưng ít nhất các chương trình ĐH sẽ trang bị cho người học một số năng lực chung để có thể thích ứng với cuộc sống này. Vì vậy, quan trọng nhất ở thời điểm này đó là xác định luôn sẽ có những trường mơ ước và có những trường vừa sức.

Nếu không đỗ được một ngành/trường trong mơ mà là một ngành vừa sức thì cũng hãy hài lòng với nguyện vọng tiếp theo của mình, dồn hết tâm sức để học, chắc chắn cũng sẽ thu hoạch được nhiều hơn thay vì cảm thấy chán, mất động lực hay chờ năm sau thi lại có thể rất bấp bênh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)