Vì sao nhà đất công bị 'ế'?
Thời gian gần đây xuất hiện việc “lạ”, đó là nhà đất công khi đấu giá đã bị “ế”, điều mà trước đó không ai có thể nghĩ tới vì rằng nhà đất luôn có nhu cầu cao. Phải chăng sau tinh giản, sáp nhập bộ máy hành chính một số cơ quan nhà nước, nhiều nhà đất công dôi dư được đem đấu giá nên bên mua đợi xuống giá tiếp? Câu trả lời không hẳn như vậy.
Ngày 18/7, vấn đề nóng tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng khóa X là bất cập trong việc quản lý nhà, đất công sản. Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP Đà Nẵng) cho hay, Đà Nẵng hiện có 1.718 cơ sở nhà đất công sản. Trong đó, 996 cơ sở chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định; 893 cơ sở chưa theo dõi hạch toán giá trị tài sản nguyên giá và giá trị còn lại.
Lãnh đạo thành phố này cho biết nhiều cơ sở nhà đất kinh doanh, cho thuê và liên doanh, liên kết chưa đảm bảo quy định, còn bỏ trống hoặc chưa sử dụng hiệu quả dù ở vị trí đắc địa. Đáng chú ý, một số cơ sở được chuyển về Trung tâm Quản lý và khai thác nhà để nghiên cứu cho thuê nhưng triển khai rất bị động.
Tuy nhiên, tồn tại trong lĩnh vực nhà đất công không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng mà còn phổ biến ở các địa phương khác. Trong khi người dân, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện thiếu đất, thiếu nhà; ở các thành phố lớn không còn đất để làm công viên, vườn hoa thì nhiều cơ quan hành chính lại có diện tích đất quá lớn. Việc đó đã tồn tại từ rất lâu nhưng không được điều chỉnh. Đặc biệt, sau tinh giản, sáp nhập bộ máy hành chính một số cơ quan nhà nước thì nhà đất công dôi ra. Để tránh lãng phí thì việc bán đấu giá là tất nhiên. Nhưng nhiều địa phương không “bán” được do diện tích quá rộng và nhất là chưa rõ về quy hoạch sử dụng đất cho bên “mua”.
Phú Yên là một trong những địa phương như vậy. Là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, xứ sở của “hoa vàng trên cỏ xanh” rất quyến rũ, lại đang được cho là đang “bùng nổ” phát triển nhưng cũng lại gặp vướng mắc khi bán đấu giá tài sản trên đất và quyền sử dụng đất. Lý do là công sở “dôi dư” thường có diện tích đất lớn, vượt nhiều lần hạn mức giao đất ở địa phương. Cùng đó, tài sản trên đất vẫn còn giá trị theo hiện trạng và theo sổ sách kế toán nên rất ít người dám tham gia đấu giá, vì cho rằng ẩn chứa nhiều rủi ro về pháp lý. Địa phương rất muốn phân lô để bán từng phần diện tích nhà đất nhưng lại chưa có quy định cụ thể, vì thế đã khó lại càng thêm khó.
Nói như đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thì nhà, công trình trên đất công rất khó thu hút nhà đầu tư vì khó có thể sử dụng. Quyền sử dụng đất chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư không dám xuống tiền. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính cần sớm sửa đổi quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công để các nơi thực hiện. Bên “bán” cũng không sợ sai mà bên “mua” cũng yên tâm không vướng vào các quy định pháp luật sau khi đấu giá.
Theo đại diện Bộ Tài chính, bộ này đang tiến hành dự thảo sửa đổi quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công theo hướng phân cấp, giao quyền cho lãnh đạo địa phương, bộ ngành quyết định. Bộ Tài chính chỉ phê duyệt phương án xử lý tài sản công liên quan giữa các bộ, ngành, hoặc giữa bộ, ngành với địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.
Được biết, từ khi thực hiện chính sách sắp xếp nhà đất công đến ngày 20/6/2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.831 cơ sở nhà, đất thuộc quyền quản lý của bộ, ngành, cơ quan trung ương. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 133 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn rất chậm.
Như vậy có thể thấy vướng mắc khi đấu giá nhà, đất công là nằm ở các quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Muốn nhà đất công không “ế” như thời gian qua thì cần phải có những quy định tháo gỡ. Khi đó số nhà đất “dôi dư” này sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn và cũng là để tránh lãng phí kéo dài.
Trụ sở công sở thường có vị trí đẹp, được coi là “đất vàng” vì thế sau sắp xếp, sáp nhập sẽ dôi ra diện tích không nhỏ. Chủ trương sắp xếp, sáp nhập đã và đang khẩn trương tiến hành nhưng quy định cho việc xử lý nhà đất công lại “chạy sau”. Vì thế mới dẫn đến hiện tượng “lạ” là nhà đất công bị “ế”.