Vẫn còn vướng mắc khi triển khai dự án
Nhiều dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cũng có những dự án, tiểu dự án còn gặp khó khăn, bất cập, khi triển khai cần được quan tâm tháo gỡ.
Tiểu dự án 1, Dự án 9 Chương trình MTQG 1719 là dự án: “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” được triển khai trên địa bàn 31 tỉnh, thành trên cả nước.
Đối tượng thụ hưởng là đồng bào các dân tộc thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025; hộ dân tộc nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp khó khăn theo Quyết định 1227; hộ gia đình người Đan Lai sinh sống tại 2 bản: Cò Phạt, Búng thuộc vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Mục tiêu của dự án nhằm xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng… và đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai gắn với bảo vệ phát triển rừng, môi trường sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù Mát.
Tổng nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1 là hơn 6.699 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 6.610 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 88 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9, Chương trình MTQG 1719 đang gặp nhiều khó khăn.
Nói về vướng mắc của địa phương, ông Triệu Trung Hiệp - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, theo hướng dẫn của Thông tư 02 thì địa bàn đầu tư của Tiểu dự án 1 là các thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao đang gây khó cho địa phương khi triển khai.
Ông Hiệp kiến nghị, nên khái niệm “tỷ lệ hộ nghèo cao” bởi các thôn đặc biệt khó khăn được phê duyệt tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc đã được xác định theo tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2025.
“Về đối tượng thụ hưởng, Ủy ban Dân tộc cần xem xét, bổ sung thêm hộ sinh sống nhỏ lẻ, xen kẽ với các dân tộc khác. Bởi theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg quy định 14 dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn. Còn những hộ cũng thuộc 14 dân tộc theo Quyết định số 1227, nhưng hiện sinh sống nhỏ lẻ lại không được thụ hưởng chính sách sẽ gây tâm tư cho đồng bào” - ông Hiệp kiến nghị.
Nêu những khó khăn khi triển khai thực hiện chính sách dân tộc tại cơ sở, ông Hoàng Trường Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) cho rằng, mức vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đối với đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù cho cả giai đoạn chỉ được 20 triệu đồng/hộ là cứng nhắc. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm công tác dân tộc ở cơ sở thiếu cũng là những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở.
Để gỡ vướng cho các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giao Vụ Dân tộc thiểu số chủ trì phối hợp với các vụ, đơn vị liên quan, đặc biệt là Vụ Chính sách dân tộc và Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 xây dựng phương án lâu dài, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, trong đó nêu rõ và đánh giá những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý, đưa ra phương án đề xuất cụ thể tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương từ đó đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống, giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế-xã hội.